Sẵn sàng xuất cấp đầy đủ, kịp thời hàng dự trữ mùa mưa bão

PV.

Nhằm ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi của thời tiết có thể gây thiệt hại tới hàng dự trữ quốc gia (DTQG), đồng thời kịp thời sẵn sàng xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương mùa mưa bão, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm về mọi mặt (người, tài sản, kho và hàng hóa DTQG…) để đáp ứng kịp thời hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Vũ Anh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Xuồng cao tốc dự trữ quốc gia sẵn sàng xuất cứu trợ.
Xuồng cao tốc dự trữ quốc gia sẵn sàng xuất cứu trợ.

Phóng viên: Thưa ông, với những dự báo về diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão năm 2020, Tổng cục DTNN đã có các phương án, kế hoạch gì, để bảo đảm an toàn tuyệt đối tài sản, hàng DTQG?

Ông Phạm Vũ Anh.
Ông Phạm Vũ Anh.

Ông Phạm Vũ Anh: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục DTNN là bảo đảm an toàn tuyệt đối hàng DTQG để sẵn sàng xuất cấp hỗ trợ, cứu trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Xác định rõ nhiệm vụ này, hàng năm, trước mùa mưa bão, Tổng cục DTNN đã có văn bản chỉ đạo các Cục DTNN khu vực rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão của đơn vị; xây dựng kịch bản, phương án phòng chống lụt bão để bảo đảm an toàn cho tài sản, kho tàng, hàng DTQG khi có các tình huống thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN có công điện yêu cầu các Cục DTNN khu vực tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến của mưa bão. Cụ thể, ngày 16/9/2020, Tổng cục DTNN đã có Công điện số 07/CĐ-TCDT về việc ứng phó với cơn bão số 5 điện các Cục DTNN khu vực: Hà Nội, Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Bắc Tây Nguyên.

Theo đó, công điện này yêu cầu các Cục DTNN khu vực tổ chức trực ban, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến của cơn bão để kịp thời có biện pháp phòng, chống ảnh hưởng của mưa lũ gây ra.

Tiếp đó, ngày 12/10/2020, Tổng cục DTNN có Công điện số 09/CĐ-TCDT về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và thực tế sau này là cơn bão số 7 điện các Cục DTNN khu vực: Hà Nội, Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Bắc Tây Nguyên.

Tại Công điện này, Tổng cục DTNN cũng yêu cầu các Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trở ra phía Bắc tổ chức trực ban, nắm bắt thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ trên địa bàn, kịp thời có biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng DTQG…

Với sự chuẩn bị chu đáo và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ công chức ngành Dự trữ trong công tác phòng ngừa, ứng phó trước, trong và sau mỗi đợt mưa bão, tài sản, hàng DTQG luôn được bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Được biết, vừa qua, tình hình mưa lũ đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại một số tỉnh miền Trung. Xin ông cho biết đến thời điểm này, Tổng cục DTNN đã nhận được đề nghị hỗ trợ lương thực DTQG và vật tư, trang thiết bị của bao nhiêu tỉnh?

Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của mưa lũ và chủ động ứng phó với cơn bão số 7, ngày 12/10/2020, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1393/CĐ-TTg điện UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Quốc phòng; Công an; Ngoại giao.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính theo dõi, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý kịp thời, đúng quy định các nhu cầu cứu trợ khẩn cấp của địa phương liên quan đến hàng DTQG, nhất là lương thực, nhà bạt, phao cứu sinh phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Thực hiện Công điện này, Tổng cục DTNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ kịp thời xuất cấp hàng DTQG, vật tư, trang thiết bị để hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. 

Đến nay, Tổng cục DTNN đã nhận được văn bản của 4 tỉnh (Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị) đề nghị hỗ trợ hàng DTQG, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn phục vụ phòng, chống thiên tai. Trong đó, các địa phương đề nghị hỗ trợ từ nguồn DTQG gồm: 6.000 tấn gạo (các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo; tỉnh Quảng Bình 3.000 tấn gạo) và một số mặt hàng như: phao áo, phao tròn, phao bè, nhà bạt, xuồng cao tốc, máy phát điện, hóa chất..., để các địa phương hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Hiện nay, căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh và các quy định, quy trình, trình tự thủ tục về xuất cấp hàng DTQG hiện hành, Tổng cục DTNN đang phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương trình Bộ Tài chính; đồng thời, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ cho các địa phương bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, đúng quy định.

Để đảm bảo hàng DTQG đến các địa phương và người dân vùng bão lũ được sớm nhất, thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ triển khai các giải pháp gì, thưa ông?

Để đảm bảo hàng DTQG đến các địa phương và người dân vùng bị bão lũ, ngập lụt được sớm nhất sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan để trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xuất cấp hàng DTQG kịp thời ứng cứu, hỗ trợ nhân dân các địa phương trong thời gian sớm nhất, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN chỉ đạo các Cục DTNN khu vực xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng về phương tiện vận chuyển, bốc xếp; kiểm tra chất lượng hàng hóa trong kho DTQG; bố trí cán bộ, công chức ứng trực để sẵn sàng triển khai các thủ tục liên quan để thực hiện việc xuất kho, vận chuyển, giao nhận hàng DTQG đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, kịp thời theo kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh ngay sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu các Cục DTNN khu vực phải tăng cường công tác phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý và phân bổ, tiếp nhận sử dụng hàng DTQG đã được trang cấp, hỗ trợ đúng quy định.

Xin trân trọng cảm ơn ông!