Tăng cường đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khu vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Bối cảnh đó dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực có tay nghề cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngày càng tăng. Vì vậy, việc tăng cường đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu về lao động tại các khu công nghiệp là yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hóa đất nước gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thực trạng đào tạo nghề cho lao động tại các khu công nghiệp hiện nay
Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên. Phát triển giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng luôn là một động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, là điều kiện phát huy nguồn nhân lực, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Hơn 36 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, khu vực sản xuất công nghiệp ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm và đã phát triển mạnh mẽ. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, từng bước đáp ứng yêu cầu nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế nói chung và của sản xuất công nghiệp cũng như tại các khu công nghiệp nói riêng.
Theo đó, chất lượng đào tạo nghề cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp từ bước được nâng lên, tỷ lệ học viên tốt nghiệp và tìm được việc làm sau đào tạo ngày càng tăng, một số nghề có số lượng học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp tập trung. Lao động qua đào tạo nghề đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực ngành nghề của các khu công nghiệp; đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do kỹ thuật viên nước ngoài thực hiện...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lao động tại các khu công nghiệp còn một số tồn tại, hạn chế. Đại bộ phận lao động đang làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế là lao động nhập cư, không có kỹ năng nghề nghiệp. Vì vậy, chất lượng lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Lực lượng lao động trong các khu công nghiệp còn thiếu tính chuyên nghiệp, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm; năng lực giải quyết vấn đề; khả năng tự tư duy, tự nhận biết vấn đề và tự đưa ra được những giải pháp cải tiến hiệu suất công việc hoặc sự nỗ lực để có thể sản xuất được những sản phẩm chất lượng tốt hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động, thái độ làm việc, trách nhiệm đối với doanh nghiệp, khả năng sử dụng ngoại ngữ, sự hiểu biết văn hóa các nước trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài không được đánh giá cao.
Chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu khiến tình hình tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp khi đầu tư vào các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Lực lượng lao động chưa có kỹ năng, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và không ổn định là mối lo lắng của nhiều doanh nghiệp.
Việc đào tạo nghề cho lao động tại các khu công nghiệp cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Trong đó, vấn đề kỹ năng nghề gồm chuyên môn tay nghề và các kỹ năng mềm như: khả năng giao tiếp, phối hợp làm việc nhóm, thái độ làm việc, tính kỷ luật... chưa được quan tâm đúng mức, khiến chỉ số chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động tính theo giờ làm việc và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực; làm tăng nguy cơ mất việc làm của nhiều lao động trong tương lai.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), khoảng năm 2026, có khoảng 40% người lao động không còn kỹ năng phù hợp với công việc hiện tại và sẽ thay thế bằng công nghệ mới; 30% người lao động buộc phải chuyển nghề.
Do đó, để thích ứng với quá trình hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài kỹ năng tay nghề, sinh viên cần được đào tạo và tích cực rèn luyện để có thêm các kỹ năng khác như: Kỹ năng nghiên cứu độc lập, khả năng tự học; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc theo nhóm; kỹ năng tư duy sáng tạo; kỹ năng khai thác và sử dụng công nghệ thông tin; khả năng cập nhật kiến thức mới... để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại các khu công nghiệp.
Giải pháp tăng cường đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế, cần tăng cường đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động tại các khu công nghiệp.
Theo đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề, thấy rõ tầm quan trọng của việc học nghề để tiếp thu được tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động.
Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, nhất là các ngành, nghề phục vụ phát triển công nghiệp; các ngành, nghề thuộc các lĩnh vực khuyến khích kêu gọi đầu tư; các ngành, nghề trọng điểm được Trung ương đầu tư phát triển theo cấp độ khu vực ASEAN và cấp độ quốc gia.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp để tăng cường đào tạo thực tế cũng như liên kết tạo đầu ra cho sinh viên khi ra trường.
Các cơ sở dạy nghề cần tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân để phát triển hạ tầng kỹ thuật, mở rộng quy mô đào tạo và có thể áp dụng những công nghệ mới nhất của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị dạy học các phần mềm mô phỏng… và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế bài giảng theo hướng nâng cao năng lực sáng tạo, tự học, thích nghi của người học. Ngoài ra, những phương pháp phát huy tính chủ động, sáng tạo, tư duy phản biện, làm việc nhóm cần được sử dụng trong việc đào tạo.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề hiện có cần được chú trọng. Tăng cường đào tạo số giáo viên còn thiếu hụt, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quy mô đào tạo dạy nghề cho sản xuất công nghiệp hiện nay.
Đồng thời, đổi mới và đa dạng các phương pháp, hình thức dạy nghề. Kết hợp giữa đào tạo nghề chính quy, tập trung với đào tạo vừa học, vừa làm và đào tạo nghề tại thôn, bản; vừa đào tạo nghề dài hạn, vừa ngắn hạn và bổ túc nghề, dạy nghề thường xuyên tạo điều kiện cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều được tham gia học nghề phù hợp với trình độ và điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người.
Đối với công nhân tại các khu công nghiệp, cần bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách đào tạo, đào tạo lại công nhân; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho công nhân tự học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ. Xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo nghề, gắn đào tạo lý thuyết với rèn luyện kỹ năng thực hành, nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp hàng năm dành kinh phí thích đáng và thời gian cho đào tạo, đào tạo lại công nhân; được tính vào giá trị đầu tư và hạch toán vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Cùng với đó, đào tạo nghề cho lao động sản xuất công nghiệp phải gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; gắn với xóa đói, giảm nghèo và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Cần có chính sách đãi ngộ và tôn vinh những người có tay nghề bậc cao, các nghệ nhân, công nhân giỏi nghề.