Tăng cường tham vấn IMF, cải cách hoạt động Kho bạc Nhà nước
Theo kế hoạch hợp tác quốc tế của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, mới đây, đoàn công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thực hiện chương trình làm việc với các đơn vị chức năng của Kho bạc nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, các chuyên gia IMF đã có những trao đổi, đánh giá và tư vấn khuyến nghị hoàn thiện khung khổ pháp lý về lĩnh vực quản lý ngân quỹ nhà nước.
Hỗ trợ hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý ngân quỹ nhà nước
IMF đã có nhiều đóng góp cho Kho bạc Nhà nước (KBNN) Việt Nam trong cải cách quản lý ngân quỹ (QLNQ) nhà nước thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật từ năm 2007, góp phần giúp KBNN hoàn thiện công tác QLNQ theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và tiếp tục hỗ trợ KBNN trong xây dựng và triển khai Chiến lược Phát triển KBNN đến năm 2030. Từ ngày 04-06/7/2022, Đoàn công tác IMF do ông Michael Williams – Chuyên gia tư vấn của Vụ Các vấn đề tài khóa (IMF) chủ trì, ông Suhas Joshi – Cố vấn Khu vực về lĩnh vực Kho bạc của IMF đã thực hiện chương trình tư vấn với cục QLNQ, KBNN Việt Nam về vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp lý về lĩnh vực QLNQ.
Trong chương trình làm việc với đoàn công tác IMF, ông Lưu Hoàng – Cục trưởng cục QLNQ đã trình bày, trao đổi về kết quả rà soát các quy định pháp lý về QLNQ nhà nước tại Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ quy định chế độ QLNQ nhà nước; đồng thời, đề xuất sự cần thiết và nội dung sửa đổi về QLNQ nhà nước tại Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 24/2016/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2016/NĐ-CP dự kiến được tiến hành theo 02 giai đoạn. Giai đoạn 1, đề xuất sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp trong hệ thống pháp luật, thực hiện trong năm 2022 – 2023. Giai đoạn 2 dự kiến sửa đổi đồng bộ quy định về QLNQ nhà nước tại Luật NSNN và Nghị định số 24/2016/NĐ-CP từ năm 2023 – 2025.
Làm việc với Cục QLNQ, Đoàn công tác IMF đã trao đổi và thảo luận các nghiệp vụ QLNQ theo thông lệ quốc tế và theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 để đề xuất, khuyến nghị các quy định cần sửa đổi, bổ sung về công tác QLNQ tại Luật NSNN và Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.
Đoàn công tác IMF đánh giá cao các đề xuất sửa đổi quy định về QLNQ nhà nước tại Luật NSNN và Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của KBNN; đồng thời, tán thành cách tiếp cận của KBNN trong việc sửa đổi khung khổ pháp lý về QLNQ. Về phía KBNN, Cục QLNQ ghi nhận và tiếp thu những kinh nghiệm do các chuyên gia của IMF chia sẻ, tư vấn và khuyến nghị. Nhìn chung, các định hướng gợi mở từ phía chuyên gia khá tương đồng với những định hướng mà KBNN đang nghiên cứu và xây dựng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và thông lệ quốc tế trong giai đoạn phát triển và hội nhập và theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Trong thời gian tới, về lĩnh vực QLNQ, IMF đề xuất hỗ trợ KBNN về xây dựng năng lực dự báo dòng tiền; chuyển giao kỹ thuật phân tích, thu thập, đánh giá dữ liệu, xây dựng các biểu mẫu báo cáo và tiếp tục hỗ trợ trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý về QLNQ. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ qua các kênh trực tiếp và trực tuyến, do Vụ Hợp tác quốc tế – KBNN chủ trì điều phối để hoạt động hợp tác đạt kết quả cao nhất trong những năm tiếp theo.
Mở rộng hoạt động hợp tác, tham vấn cải cách hoạt động kho bạc nhà nước
Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động hợp tác giữa KBNN và IMF vẫn được triển khai và diễn ra hiệu quả qua hình thức trực tuyến trong năm 2021. Cụ thể, các chuyên gia IMF đã tiến hành tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho KBNN về nội dung liên quan đến xây dựng Sổ tay Kiểm toán nội bộ, hoàn thiện cơ chế QLNQ của Chính phủ giai đoạn 2021-2030, cải cách kế toán đồ (COA)…
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của IMF vào ngày 08/7/2022 do ông Suhas Joshi làm trưởng đoàn, Tổng Giám đốc KBNN - Trần Quân đánh giá cao những khuyến nghị, tư vấn của IMF và khẳng định những khuyến nghị, tư vấn rất xác đáng và quan trọng với KBNN trong việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, góp ý với định hướng và Dự thảo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Có thể nói sự kiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 được phê duyệt chính là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa IMF và KBNN Việt Nam trong những năm qua.
Về phía IMF, ông Suhas Joshi - Trưởng đoàn công tác của IMF cảm ơn KBNN đã cung cấp nội dung, thông tin đầy đủ và cập nhật, đồng thời đã trao đổi kỹ thuật rất cởi mở và thẳng thắn để giúp Đoàn công tác hiểu rõ hơn về cơ chế, chính sách, hoạt động nghiệp vụ của KBNN Việt Nam, từ đó đưa ra những đánh giá khuyến nghị sát thực nhất với thực tế của KBNN Việt Nam hiện nay.
Trưởng đoàn công tác IMF chúc mừng KBNN Việt Nam trong thời qua đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện cải cách kho bạc. Phía IMF khẳng định sẽ nghiên cứu các nội dung yêu cầu của KBNN để đáp ứng tốt hơn nữa những kỳ vọng của KBNN, trên cơ sở đó, những ý kiến khuyến nghị, tư vấn của các chuyên gia IMF sẽ được KBNN cân nhắc, đưa vào công việc thực tế thường xuyên hơn.
Tổng Giám đốc Trần Quân cho rằng, những chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia IMF về các lĩnh vực quan trọng của KBNN, đặc biệt trong các lĩnh vực kiểm toán nội bộ, QLNQ và kế toán nhà nước trong năm 2021-2022 là vô cùng quý giá, hữu ích, thiết thực, và phù hợp với thông lệ quốc tế. KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu các ý kiến của IMF, tiếp thu các bài học kinh nghiệm, của các quốc gia với sự hỗ trợ của IMF, từ đó, áp dụng vào công tác chuyên môn, hoàn thiện cơ chế chính sách, chuẩn hóa hoạt động nghiệp vụ để chủ động trước những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, triển khai thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
* Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 8/2022