Tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp
Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao nhân tố văn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Đặt vấn đề
Theo quan điểm của Đảng ta, văn hóa doanh nghiệp nằm trong văn hóa kinh doanh, là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, đó là: tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp; xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp; tạo động lực làm việc, thúc đẩy tính sáng tạo của các thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thu hút nhân tài, tạo sự gắn bó giữa nhân viên với doanh nghiệp; tạo dựng lòng tin và thu hút khách hàng, đối tác.
Thực trạng văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay
Từ khi Đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, đặc biệt hai thập niên gần đây, hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp bước đầu gia nhập môi trường kinh doanh của thế giới, thích ứng được với môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Các chiến lược, mục tiêu kinh doanh được xác định rõ ràng, chuẩn xác, phù hợp. Triết lý kinh doanh được đúc rút sâu sắc, có bề dày văn hóa. Các nguyên tắc, quy định của doanh nghiệp được xây dựng gắn với thực tế và dễ thực hiện. Các giá trị cốt lõi dần dần được hình thành, tạo nên bản sắc riêng cho nhiều doanh nghiệp, tạo dấu ấn và giành được thiện cảm của đối tác và khách hàng.
Những nội dung của văn hóa doanh nghiệp có tính linh hoạt, có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của môi trường và hoàn cảnh. Các doanh nghiệp cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, thực thi trách nhiệm xã hội, tích cực hỗ trợ cộng đồng. Đã có hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp từ các doanh nghiệp để hỗ trợ người dân vùng thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện ở những điểm yếu, như chiến lược, mục tiêu kinh doanh chưa rõ ràng, thiếu tầm nhìn dài hạn; quản lý nhân sự còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Không ít doanh nghiệp thiếu tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà bất chấp lợi ích cộng đồng, xâm hại môi trường thiên nhiên; kỹ năng quản trị, khả năng xử lý rủi ro, vượt qua khủng hoảng còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh có đại dịch, thiên tai.
SCIC đã sớm quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho SCIC dựa trên cấu trúc gồm: (1) Các giá trị hữu hình: bộ nhận diện thương hiệu, trang phục, ấn phẩm, các hình thức lễ nghi, sinh hoạt….., (2) Các giá trị được tuyên bố: xây dựng Quy chế Văn hóa Doanh nghiệp SCIC và đào tạo, phổ biến, tuyên truyền thực hiện Quy chế và (3) Các giá trị nền tảng là những giá trị cốt lõi theo đuổi gồm: Năng động, Chuẩn mực, Hiệu quả, Bền vững.
Vai trò và lợi ích của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp được đặt quá cao, tạo khoảng cách quá lớn với nhân viên, chưa tạo nên sự đoàn kết, gắn bó trong nội bộ. Tác phong, lề lối làm việc ở nhiều doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, chưa bảo đảm kỷ luật, chưa tuân thủ các quy định về an toàn lao động…
Bên cạnh đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại nhiều doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chạy theo phong trào, mới tập trung vào các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao và truyền thông, chưa hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và chuẩn hành vi.
Xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp tại SCIC
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/08/2006. SCIC ra đời trong bối cảnh Việt Nam chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển đổi phương thức quản lý vốn nhà nước từ quyết định hành chính sang đầu tư kinh doanh vốn, theo đó, Nhà nước đóng vai trò là cổ đông-nhà đầu tư, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và bình đẳng với các khu vực đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Là một doanh nghiệp nhà nước, với tầm nhìn trở thành nhà đầu tư của Chính phủ, tổ chức tài chính nhà nước chuyên nghiệp và hàng đầu ở Việt Nam, SCIC xác nhận sứ mệnh của mình là “Thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, SCIC đã sớm quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp cho SCIC dựa trên cấu trúc gồm: (1) Các giá trị hữu hình: bộ nhận diện thương hiệu, trang phục, ấn phẩm, các hình thức lễ nghi, sinh hoạt….., (2) Các giá trị được tuyên bố: xây dựng Quy chế Văn hóa Doanh nghiệp SCIC và đào tạo, phổ biến, tuyên truyền thực hiện Quy chế và (3) Các giá trị nền tảng là những giá trị cốt lõi theo đuổi gồm: Năng động, Chuẩn mực, Hiệu quả, Bền vững.
Trong thời gian tới, SCIC tiếp tục chú trọng xác lập tập giá trị văn hóa cốt lõi để xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh và nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Giải pháp đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”, việc xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam nói chung, văn hoá doanh nghiệp nói riêng là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng để hiện thực hóa nhiệm vụ trọng tâm đó.
Về phía Nhà nước
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để nền kinh tế vận hành theo đúng các quy luật cung - cầu, qua đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, khắc phục tình trạng tham nhũng, hối lộ, tiêu cực, cạnh tranh thiếu lành mạnh.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm, biểu hiện sai trái về đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái, an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên...
- Đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng văn hóa doanh nghiệp. Tăng cường tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, các mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tấm gương văn hóa doanh nhân thành công trên thế giới. Tổng kết, đánh giá thực tiễn, nhân rộng những mô hình hiệu quả, thúc đẩy cả về nhận thức và hành động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam. Đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng các khóa học về văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, bồi dưỡng một thế hệ trẻ có tinh thần khởi nghiệp lành mạnh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trang bị cho họ hệ thống kiến thức, kỹ năng về văn hóa ngành nghề, đạo đức nghề nghiệp. Đẩy mạnh các khóa tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh để nâng cao nhận thức trong toàn xã hội.
- Tăng cường vai trò của dư luận xã hội để giám sát, điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp. Dư luận xã hội góp phần phê phán, lên án những cái xấu trong hoạt động kinh doanh; tôn vinh, ca ngợi những cái tốt, cái đẹp trong cộng đồng doanh nghiệp. Hiện đây là một kênh quan trọng để định hướng, điều tiết hành vi ứng xử của giới kinh doanh, lan truyền hệ giá trị của văn hóa doanh nghiệp, đồng thời cũng thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát của công luận, có tác dụng điều chỉnh, răn đe rất lớn.
- Phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông: Các kênh thông tin đại chúng thường có sức lan truyền và ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, lan tỏa những hành động cao đẹp và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, biểu dương những tấm gương doanh nhân tiêu biểu, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Do đó, cần phát huy sức mạnh của truyền thông đại chúng trong việc phổ biến, giáo dục, trang bị kiến thức, khơi nguồn cảm hứng về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh. Trong kỷ nguyên số, bên cạnh các hình thức truyền thông truyền thống (báo chí, phát thanh, truyền hình), cũng cần khai thác thế mạnh, sự ưu trội của các phương tiện truyền thông mới để phát huy sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục, nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững, qua đó, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển Đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Về phía doanh nghiệp
- Phát huy tính tích cực, chủ động của các doanh nghiệp: Bản thân các doanh nghiệp trước hết phải nhận thức được đầy đủ, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp phải đầu tư thực sự vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từng bước hiện thực hóa trong thực tiễn hoạt động; đồng thời tích cực, chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác và tham khảo kinh nghiệm, mô hình, phương thức quản lý, kinh doanh tiên tiến của thế giới để vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
- Nêu cao vai trò đầu tàu, dẫn dắt của người đứng đầu doanh nghiệp: Trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, yếu tố con người đóng vai trò chủ chốt, nhất là người đứng đầu doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến hệ tư tưởng của người sáng lập và của những người đứng đầu doanh nghiệp đó. Tất cả những biểu hiện bề ngoài của văn hóa doanh nghiệp đều thể hiện một cách sinh động định hướng xây dựng doanh nghiệp của những người đứng đầu doanh nghiệp.
Trước hết, trong vai trò của người đứng đầu, họ có trách nhiệm dẫn dắt các thay đổi trong việc phát triển văn hóa doanh nghiệp; khơi dậy, đưa ra những đề xuất và hướng dẫn nhân viên công ty nỗ lực thay đổi. Họ cũng là người chịu trách nhiệm hoạch định kế hoạch, xác định và truyền bá tầm nhìn, sứ mệnh đến tất cả các nhân viên trong công ty. Những thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng đến toàn bộ nhân viên. Vì vậy, họ cần hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền lợi họ nhận được khi tham gia xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Để tạo động lực và tìm kiếm sự đồng thuận của mọi người trong công ty, người đứng đầu cần có biện pháp phổ biến phù hợp, phải làm sao cho nhân viên nhận ra nhu cầu cần thay đổi, những gì sẽ đạt được từ những thay đổi đó. Chỉ khi nào nhân viên nhận thức rõ những lợi ích do văn hóa doanh nghiệp mang lại, họ mới tự nguyện và nỗ lực tham gia vào việc xây dựng và phát triển nó. Trong quá trình phát triển văn hóa doanh nghiệp, người đứng đầu cần biết cách động viên, khuyến khích nhân viên để họ thấy được giá trị của việc thay đổi.
Thứ hai, khi phát triển văn hóa doanh nghiệp, vai trò của người đứng đầu thể hiện ở việc củng cố và cải thiện các giá trị văn hóa doanh nghiệp, truyền bá các giá trị văn hóa mới. Đồng thời, họ cũng chú trọng đến việc duy trì những giá trị tốt đẹp trước đó và loại bỏ các giá trị lỗi thời hoặc các giá trị gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Các giá trị văn hóa doanh nghiệp cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc tự do, công bằng và dân chủ. Trong nội bộ doanh nghiệp, đó có thể là các quy định, quy chế được soạn thành văn bản hoặc không được soạn thành văn bản – các quy tắc bất thành văn; hoặc đó là các nghi thức hay phi nghi thức được mọi người chấp nhận và tự nguyện thực hiện. Với các đối tượng bên ngoài, văn hóa doanh nghiệp được biểu hiện dưới các sắc thái mà họ có thể cảm nhận được rõ ràng. Tuyệt đối không xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên tính chủ quan, áp đặt. Khi làm như vậy văn hóa doanh nghiệp sẽ chỉ là những khuôn mẫu cứng nhắc, không thể hiện được triết lý nhân sinh của người đứng đầu. Việc này có thể dẫn tới phản ứng ngược, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và kìm hãm khả năng sáng tạo của đội ngũ nhân viên. Bản thân người lãnh đạo phải là những tấm gương thực hành các giá trị văn hóa cốt lõi, tạo dựng niềm tin và nguồn cảm hứng cho cấp dưới, nhân viên.
Thứ ba, người đứng đầu doanh nghiệp thể hiện vai trò lãnh đạo triển khai chuyển đổi số trong văn hóa doanh nghiệp phù hợp với thời kỳ chuyển đổi số. Đề cao các yếu tố khuyến khích tư duy sáng tạo, đổi mới, linh hoạt, tốc độ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ số để tạo ra các nền tảng, hệ thống quản lý nhằm thay đổi quan điểm, nhận thức về chuyển đổi số và yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ phải tuân thủ và thực hiện; Tăng cường thay đổi văn hóa doanh nghiệp phù hợp với thời đại số (chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường số); Triển khai các giải pháp nhằm khơi dậy nhiệt huyết, tinh thần quyết tâm của toàn thể cán bộ, đảng viên, cùng nhau tham gia vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp; Thúc đẩy phát triển, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số.
Cuối cùng, cần gắn kết chiến lược hoạt động kinh doanh với văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn, nâng cao năng suất làm việc của nhân viên, thậm chí là tạo nên các chiến lược kinh doanh hiệu quả. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không phải là câu chuyện đơn giản, có thể hoàn thành một sớm một chiều. Những người đứng đầu doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong hiệu suất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp để là người đứng đầu khôn ngoan trong việc vận dụng tối đa hiệu quả của công cụ văn hóa doanh nghiệp vào việc điều hành hoạt động kinh doanh; trở thành một người đứng đầu có tầm nhìn khi sử dụng văn hóa doanh nghiệp làm công cụ phát triển nhân tài, xây dựng môi trường làm việc và gắn kết đội ngũ nhân viên, từ đó góp phần gia tăng doanh số và nâng cao giá trị thương hiệu.
- Phát huy ý thức tự giác và nỗ lực phấn đấu của đội ngũ nhân viên, trong đó có vai trò to lớn của cán bộ, đảng viên tại doanh nghiệp: Trong công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn là chưa đủ, mà còn rất cần sự nỗ lực thực thi văn hóa doanh nghiệp của từng cán bộ, đảng viên, nhân viên – những thành viên trong doanh nghiệp
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ của người lao động doanh nghiệp, người cán bộ, đảng viên phải là người nghiêm túc gương mẫu thực hiện Văn hóa doanh nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần từng dạy: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng” “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Như vậy, cán bộ, đảng viên chính là người làm gương, tiên phong thực hiện nghiêm túc các nét văn hóa doanh nghiệp để các đồng nghiệp bắt chước và noi theo. Với vai trò tiên phong của mình, cán bộ, đảng viên trước hết phải tiên phong trong tìm hiểu thấu đáo giá trị cốt lõi về văn hóa doanh nghiệp và lan tỏa tự nhiên trong từng cách nghĩ từng lời nói và từng hành động cụ thể hàng ngày của mình; phải là người thực thi văn hóa doanh nghiệp từ những công việc đơn giản nhất đến phức tạp hơn, từ những ứng xử cho quyền lợi cá nhân đến lợi ích chung cho tập thể; hay từ cả những hành vi trong công việc lẫn các giao tiếp ngoài cuộc sống để từ đó truyền tải đến mọi người.
Để thực hiện được các việc trên, bản thân người cán bộ, đảng viên cần phải nỗ lực học hỏi, trau dồi bản thân dưới các chuẩn mực ứng xử, các hành vi đúng nguyên tắc, đề ra các định hướng mục tiêu cần vươn đến; phát triển bản thân để hoàn thành tốt công việc, góp phần cùng doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh; xác định nỗ lực vì tổ chức cũng là nỗ lực cho chính mình.
Tiếp đó, người đảng viên là người góp phần hoàn thiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, mỗi doanh nghiệp phải xây dựng nên chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu và chiến lược của mình. Quá trình xây dựng chuẩn mực, giá trị văn hóa cốt lõi của doanh nghiệp cần phải có sự chung tay góp sức của mỗi một người lao động, trong đó có người cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải chủ động tuyên truyền sâu rộng nét văn hóa doanh nghiệp mình; góp ý cho văn hóa doanh nghiệp thích nghi với từng thời kỳ phát triển của doanh nghiệp; có những ý kiến sáng tạo để tạo ra những nét văn hóa đặc sắc hơn nữa, phù hợp hơn nữa cho doanh nghiệp./.