Tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý thuế nhà cung cấp nước ngoài

Việt Dũng

Dự báo năm 2023, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) sẽ tiếp tục phát triển bùng nổ, do vậy, ngành Thuế sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý quản lý thuế, nhất là quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT của các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN).

Khẳng định chủ quyền thu thuế của Việt Nam

Theo Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), TMĐT ở Việt Nam hình thành từ đầu những năm 2000 và phát triển mạnh mẽ trong vòng hơn 20 năm qua. Từ năm 2016 trở lại đây, TMĐT Việt Nam đang có những bước chuyển mình sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh, ổn định và theo xu hướng phát triển chung toàn cầu.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT của các NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, Bộ Tài chính nghiên cứu và báo cáo Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (quy định tại điểm 4 Điều 42), trong đó lần đầu tiên đã quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế; Nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác tại Việt Nam.

Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế quy định: “Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì NCCNN có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.”

Ngày 29/09/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định cụ thể về nghĩa vụ tuân thủ pháp luật về thuế của NCCNN khi có hoạt động kinh doanh thương mại tại Việt Nam. Theo đó, NCCNN phải thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế Việt Nam.

Tuy nhiên, các NCCNN không có cơ sở thường trú, không có hiện diện tại Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp quản lý thuế truyền thống với NCCNN không còn phù hợp, khó thực hiện do loại hình kinh doanh của NCCNN chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ cao - kinh doanh thương mại phi truyền thống.

Để quản lý tốt đối với NCCNN, yêu cầu đặt ra là phải có các biện pháp, giải pháp, công cụ quản lý thuế hiện đại, tiên tiến, phù hợp với thông lệ của quốc tế, tiệm cận và từng bước hội nhập được với quản lý thuế của các nước tiên tiến trên thế giới.

Do vậy, để hiện đại hoá trong công tác quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho các NCCNN tuân thủ các quy định pháp luật về thuế tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo về việc xây dựng Cổng thông tin điện tử dành riêng cho NCCNN. Đây là công cụ quản lý thuế theo hướng hiện đại hóa áp dụng công nghệ và nâng cao tính tuân thủ của NCCNN.

Ngày 21/03/2022, Bộ Tài chính chính thức khai trương, đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Đây là bước ngoặc quan trọng trong quản lý thuế đối với NCCNN hoạt động xuyên biên giới.

Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NCCNN chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số.

Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các NCCNN thông qua một cổng thông tin điện tử trực tuyến, khẳng định chủ quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Tính đến hết năm 2022 đã có 41 NCCNN đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN từ nhiều quốc gia như Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong ; Ireland; Lithuania; Thụy Sĩ, Úc...

Tổng số thuế đã nộp hơn 3.177 tỷ đồng; trong đó, gần 1.900 tỷ đồng các NCCNN đã khai, nộp trực tiếp qua cổng TTĐT dành cho NCCNN và phần còn lại do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay (trong đó Facebook là 1.748 tỷ đồng, Google là 979 tỷ đồng).

Có 06 NCCNN lớn Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam.

Quản lý thuế đối với NCCNN tới đây thế nào?

Quản lý doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam không chỉ thực hiện chức năng quản lý thu thuế mà cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị, của người sử dụng dịch vụ.

Do vậy, Tổng cục Thuế đã và sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các đồng bộ các giải pháp để tăng cường quản lý thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số của NCCNN. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý để quy định và hướng dẫn tuân thủ.

Trên cơ sở kết quả thực hiện năm 2022, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện quy định tại Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn luật Quản lý thuế đối với việc đăng ký, kê khai, nộp thuế của NCCNN trực tiếp hoặc uỷ quyền với cơ quan thuế trực tiếp. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các nghĩa vụ của NCCNN vào Ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống CNTT đáp ứng các nội dung công việc về thu thập dữ liệu từ nguồn internet, xác định danh tính người bán, người mua hàng. Áp dụng CNTT trong phân tích, xử lý thông tin và quản lý theo rủi ro đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ kỹ thuật số.

Trách nhiệm quản lý doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam giao thoa giữa nhiều bộ, ngành, do vậy cần sự liên thông, liên kết cao đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước không thể hoạt động độc lập mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ. Liên quan đến công tác quản lý thông tin, dữ liệu độc xấu (các quảng cáo, phần mềm, trò chơi online có nội dung trá hình, xuyên tạc về chính trị, văn hóa phẩm đồi trụy, cờ bạc,…)

Lợi ích từ công tác chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước đã tạo điều kiện cho Cơ quan thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về hoạt động, giao dịch của hoạt động TMĐT và dịch vụ kỹ thuật số tại Việt Nam.

Ngành Thuế tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong cung cấp dữ liệu về các website TMĐT đã được cấp phép; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ internet, phối hợp công tác quản lý cung cấp dịch vụ số.

Phối hợp với ngành Ngân hàngtrong cung cấp thông tin, dữ liệu về các tổ chức trung gian thanh toán, dữ liệu về các chủ thể tham gia giao dịch TMĐT, dịch vụ kỹ thuật số, hỗ trợ việc phát hiện giao dịch chưa thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; phối hợp với các NHTM trong cung cấp dữ liệu về giao dịch và thực hiện kê khai, khấu trừ thuế;

Đẩy mạnh phối hợp với Hiệp hội TMĐT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam…

Ngành Thuế cũng đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt quản lý việc cấp phép dịch vụ cung cấp đường truyền, cung cấp các dịch vụ chuyên ngành liên quan đến điện toán đám mây, nội dung quảng cáo… Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an có chế tài quản lý việc các phần mềm, trò chơi online, trang web kinh doanh độc hại, khi phát hiện cần xử lý triệt để, đúng pháp luật.

Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng và áp dụng mô hình tuân thủ của người nộp thuế (NNT) phục vụ thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT, dịch vụ kỹ thuật số trên cơ sở phân loại NNT theo hành vi tuân thủ, thực hiện phân tích, đánh giá lựa chọn NNT được thanh tra, kiểm tra thuế áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro và lập kế hoạch triển khai chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động TMĐT và dịch vụ kỹ thuật số.