Thái Nguyên: Dẫn đầu về tỷ lệ thanh, kiểm tra thuế
Cục Thuế Thái Nguyên hiện đang dẫn đầu cả nước về công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nhờ áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, từ xây dựng kế hoạch, phân tích, ban hành quyết định đến báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, đơn vị khai thác triệt để các dữ liệu trên các ứng dụng hệ thống quản lý thuế của ngành, giúp hỗ trợ, nhận diện được các rủi ro trọng yếu.
Áp dụng quản lý rủi ro
Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong các khâu nghiệp vụ về thanh, kiểm tra thuế, Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên, ông Phạm Văn Chức cho biết, đơn vị luôn quan tâm, kiểm soát một cách chặt chẽ việc phân tích hồ sơ của doanh nghiệp (DN) tại trụ sở cơ quan thuế. Từ đó, lựa chọn những vấn đề rủi ro trọng yếu nhằm rút ngắn tối đa thời gian làm việc tại DN, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả cao nhất các cuộc thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (NNT).
Đặc biệt, Cục Thuế Thái Nguyên đã chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế vào tất cả các khâu, từ khâu xây dựng kế hoạch, phân tích, ban hành quyết định đến báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra. Khai thác triệt để các dữ liệu trên các ứng dụng hệ thống quản lý thuế của ngành (TMS). Đây là ứng dụng thông minh, khả năng kết nối cũng như liên kết các dữ liệu rất đầy đủ, chính xác. Qua đó, công tác khai thác và phân tích dữ liệu trên hệ thống TMS đã hỗ trợ, nhận diện được các rủi ro trọng yếu.
Cùng với đó, đơn vị cũng đã triển khai hiệu quả việc thu thập hồ sơ tại cơ quan thuế để phân tích theo nguyên tắc “DN có rủi ro mới tiến hành thanh, kiểm tra”. Điều này đã giảm đáng kể thời gian thanh, kiểm tra tại trụ sở NNT, đồng thời tăng số lượng, chất lượng cuộc thanh, kiểm tra.
Mặt khác, theo ông Chức, Cục Thuế Thái Nguyên đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng, nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện quản lý đối với các DN ngay từ khi được cấp phép đến khi đi vào hoạt động; thực hiện kiểm soát ngay từ khi DN xin cấp phép thành lập... Đơn vị cũng liên tục trao đổi, cung cấp kịp thời các thông tin và thủ đoạn trốn thuế mới của các DN trên địa bàn với cơ quan công an, trường hợp cần thiết có thể thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành để tiến hành điều tra xác minh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp..., nhằm thu thập thông tin về NNT, phối hợp phòng, chống các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế.
Cần kết nối hệ thống dữ liệu thông tin toàn quốc
Cục trưởng Phạm Văn Chức cho biết, trong thời gian qua, việc cắt giảm các thủ tục hành chính nhằm giảm bớt thời gian, chi phí cho người dân và DN đã được hưởng ứng, đồng tình. Tuy nhiên qua thực tế quản lý cho thấy, hiện nay một số chính sách tạo điều kiện cho DN nhưng cũng chính là kẽ hở để các cá nhân lợi dụng nhằm gian lận trốn thuế. Theo ông Chức, việc thành lập DN theo Luật DN quá dễ dàng, dẫn đến nhiều đối tượng không có năng lực về chuyên môn, không đủ năng lực về tài chính cũng thành lập DN. Các phần tử xấu lợi dụng sơ hở này đã nhờ người nhà hoặc thuê một số đối tượng đứng tên thành lập nhiều DN chỉ nhằm mục đích mua bán hóa đơn.
Một ví dụ khác là việc cho phép các DN được tự in hoặc đặt in hóa đơn, kể cả DN mới thành lập hay đang hoạt động mà chưa quy định chặt chẽ các điều kiện ràng buộc và sự kiểm tra kiểm soát trước khi tiến hành phát hành hóa đơn. Lợi dụng các kẽ hở này, một số người đã thành lập DN (gia đình DN) không có hoạt động sản xuất kinh doanh (DN ma) chỉ với mục đích mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, trốn thuế.
Trước thực trạng như vậy, đồng thời để công tác thanh tra, kiểm tra thuế được tốt hơn, cơ quan Thuế Thái Nguyên cũng đã kiến nghị tới Tổng cục Thuế sớm hoàn thiện chính sách, ban hành và triển khai các quy chế, quy trình cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là các sổ tay nghiệp vụ để công chức thực hiện công tác thanh, kiểm tra tại DN thực hiện theo đúng quy trình, chất lượng cao.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về phương pháp, cách thức thu thập thông tin trên phạm vi cả nước để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin toàn quốc về giá và tỷ suất kết hợp với việc mua thông tin của nước ngoài, pháp lý hoá bằng văn bản. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý về mặt thông tin dữ liệu cho hoạt động thanh tra thuế nói chung và chống chuyển giá nói riêng.
Đồng thời, ngành Thuế cũng cần xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro lập kế hoạch thanh, kiểm tra theo tiêu chí mở, để các cục thuế chủ động cài đặt tiêu chí đánh giá theo chuyên sâu của từng vùng miền, cập nhật dữ liệu đánh giá rủi ro trong công tác thanh, kiểm tra trong năm liền kề để việc xác định tiêu chí đánh giá mang tính thực tế, có thể hạn chế những lỗi kỹ thuật trong phân tích rủi ro của hệ thống ứng dụng.