Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dán tem 3.700 trụ bơm xăng dầu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 533 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, với 3.700 trụ bơm xăng dầu chưa dán tem. Trong đó, 244 cửa hàng thuộc sở hữu các công ty, 289 cửa hàng thuộc các thành phần kinh tế tư nhân.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phổ biến việc dán tem các trụ bơm cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Ảnh Vũ Lê
Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phổ biến việc dán tem các trụ bơm cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối. Ảnh Vũ Lê

Sáng 18/7, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức gặp mặt, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc với các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối trên địa bàn, trước khi triển khai dán tem các trụ bơm xăng dầu.

Ông Lê Duy Minh - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, công tác quản lý thuế đối với kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo cơ chế DN tự kê khai tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm, theo quy định của Luật Quản lý thuế. Cơ quan thuế thực hiện chức năng kiểm tra, thanh tra sau khi DN kê khai và nộp thuế chủ yếu thông qua các tờ khai thuế, báo cáo tài chính, sổ sách kế toán, dữ liệu do DN cung cấp.

Tuy nhiên, các vi phạm thực tế của một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngày càng tinh vi, phức tạp. Bên cạnh đó, ý thức của người dân, người tiêu dùng trong việc sử dụng chứng từ, hóa đơn và phối hợp với các cơ quan chức năng còn hạn chế.

Do nhu cầu xăng dầu, một số đơn vị vì mục đích lợi nhuận, đã nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường về bán và không thực hiện kê khai đầu ra, đầu vào, nộp thuế cho lượng xăng dầu trên. Việc này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) mà còn tạo nên sự bất bình đẳng trong kinh doanh và gây tổn hại cho người tiêu dùng, do chất lượng xăng dầu trôi nổi không được kiểm soát, thường không đạt tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dán tem 3.700 trụ bơm xăng dầu - Ảnh 1

TP. Hồ Chí Minh sẽ dán tem 3.700 trụ bơm xăng dầu trong tháng 8/2017.ẢnhĐD

Phần lớn người tiêu dùng là cá nhân khi mua xăng, dầu đều không lấy hóa đơn. Lợi dụng tình trạng này, một số DN đã đưa lượng xăng dầu trên vào các hóa đơn để cung cấp cho các tổ chức hành chính sự nghiệp thanh quyết toán với NSNN hoặc cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh áp dụng phương pháp khấu trừ để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào; đồng thời hạch toán chi phí nhằm làm giảm thu nhập chịu thuế dẫn đến giảm số thuế GTGT và thuế TNDN phải nộp.

Theo ông Minh, việc dán tem cột xăng dầu sẽ được triển khai trong tháng 8/2017, nhằm quản lý chặt chẽ sản lượng bán ra của các cửa hàng bán xăng dầu làm căn cứ kê khai nộp thuế góp phần chống thất thu cho NSNN; chống tiêu cực trong việc mua, bán hóa đơn của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu; tăng cường tính tự giác và gắn trách nhiệm có tính bắt buộc của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong việc cung cấp hoá đơn hợp pháp khi bán cho người tiêu dùng.

“Việc dán tem sẽ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và bảo vệ cho người tiêu dùng” - ông Minh nhấn mạnh.