Tiêu chuẩn quốc gia - công cụ đắc lực cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng


Để hệ thống tiêu chuẩn quốc gia thực sự trở thành công cụ đắc lực cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường-Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang triển khai, sửa đổi và xây dựng nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng, hiện nay, có khoảng 12.000 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, khoa học và công nghệ, điều này đã có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mức độ hài hòa của hệ thống TCVN đối với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 56%, mục tiêu hài hòa đến hết năm 2020 là 60%, nhờ đó giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Giúp hàng hóa Việt Nam có vị trí xứng đáng tại thị trường trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế, nhanh chóng đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới. 

Theo định hướng đến hết năm 2020, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế sẽ khoảng 60%, tăng cường hài hòa TCVN với tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được với các tiến bộ KH&CN, máy móc, thiết bị hiện đại và các công nghệ mới của thế giới, đây cũng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 5 năm 2016-2020 và tầm nhìn 2030. Dự kiến, tốc độ phát triển của chúng ta tương đương với mặt bằng của các nước phát triển trong khu vực ASEAN.

Để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia khi được công bố có tính hiệu quả cho các bên liên quan, trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, những năm qua, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp các bộ, ngành tổ chức phổ biến áp dụng các TCVN, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN).

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết thêm, để đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, một trong những chủ trương lớn cần thực hiện chính là thúc đẩy xã hội hóa công tác tiêu chuẩn. Cụ thể, Tổng cục Đo lường Chất lượng sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi, bổ sung quy định, nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, áp dụng TCVN, QCVN. 

Bên cạnh đó, Tổng cục Đo lường Chất lượng cũng đề xuất các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, khu vực tư nhân tham gia góp ý các tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC và các hội nghị, hội thảo, các phiên họp của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, tổ chức khóa đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng Bộ TCCS để áp dụng cho phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã xây dựng được trên 11.500 TCVN; trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đạt 54%. Hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.