VN-Index vẫn có tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp

Minh Lâm

Chịu áp lực chốt lãi nhưng VN-Index vẫn có tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp, nhờ lực cầu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên cuối tuần (ngày 11/8).

VN-Index mở cửa tuần (phiên ngày 7/8) có diễn biến giao dịch tích cực với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết tất cả các nhóm ngành, giúp chỉ số chung bật tăng mạnh mẽ, tiệm cận lại khu vực đỉnh cũ 1.240 điểm.

Tuy nhiên, lực cầu dần suy yếu và thay vào đó là sự gia tăng ở chiều bán chủ động, khiến cho thị trường có phần hụt hơi. Áp lực bán mạnh vào 2 phiên ngày 9/8 và 10/8 đã khiến cho VN-Index mất điểm nhanh chóng lùi sát về 1.220 điểm.

Lực cầu đã xuất hiện khi VN-Index chạm 1.213 điểm, giúp chỉ số cân bằng và hồi phục ấn tượng trong phiên cuối tuần. Chốt tuần tại 1.232,21 điểm, VN-Index đã tăng nhẹ 6,23 điểm (+0,51%) và kéo dài chuỗi tăng điểm lên 6 tuần, chuỗi tăng theo tuần dài nhất từ tháng 8/2022.

VN-Index ghi nhận tín hiệu tạo đỉnh ngắn hạn trong tuần 7/8-11/8 quanh khu vực 1.250 điểm. Nguồn: investing
VN-Index ghi nhận tín hiệu tạo đỉnh ngắn hạn trong tuần 7/8-11/8 quanh khu vực 1.250 điểm. Nguồn: investing

Chỉ số chung được cải thiện nhờ lực cầu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VCB, STB. Trong đó, VIC vẫn là đầu kéo bền bỉ cho chỉ số trong tuần, cổ phiếu đã tăng 16,7% trong tuần giúp VN-Index tăng 10,1 điểm. Nhìn chung, VN-Index đang được sự hỗ trợ rất lớn từ VIC sau thông tin cổ phiếu này dự kiến sẽ niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) và ngày 15/8 tới đây.

STB cũng có diễn biến ấn tượng với mức tăng 10% trong tuần giúp VN-Index tăng 1,4 điểm. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng có 5/10 đại diện, trong 4 mã còn lại xuất hiện nhiều tên mới như SSB (tăng 4,8% ảnh hưởng +0,9 điểm), LPB (tăng 7,8% ảnh hưởng 0,6 điểm) và OCB (+6,7% ảnh hưởng +0,4 điểm). Nhóm Bất động sản còn 2 đại diện khác ngoài VIC là VRE (tăng 7,1%, ảnh hưởng +1,2 điểm) và NVL (tăng 5,6%, ảnh hưởng +0,5 điểm).

Trước diễn biến rung lắc chưa rõ xu hướng, khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên cuối tuần với thanh khoản 68 tỷ đồng, trong đó tập trung bán VHM (-76 tỷ đồng), SSI (-71 tỷ đồng); ngược lại, mua ròng chủ yếu tại HPG (+81 tỷ đồng) và STB (+71 tỷ đồng)...

Như vậy, tính chung cả tuần, khối ngoại đã bán ra hơn 740 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Khối này bán mạnh các mã: SSI (-276 tỷ đồng), GMD (-246 tỷ đồng) và VRE (-148 tỷ đồng). Chiều mua ròng, HPG được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 293 tỷ đồng.

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết tuần hình thành nến xanh dạng hammer nhờ lực cầu tích cực đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ở cả khung đồ thị ngày và giờ, các chỉ báo sau khi hình thành đỉnh đầu tiên đang có xu hướng bật nảy, hướng lên trở lại.

Tuy nhiên, khu vực điểm quanh 1250 điểm hiện vẫn đang là kháng cự mạnh của thị trường trong ngắn hạn nên xác suất rung lắc tạo 2 đỉnh vẫn cần được tính đến để quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán có tuần rung lắc mạnh nhưng bên mua vẫn chiếm ưu thế hơn so với bên bán xét về tổng thể. Mặt khác, khối lượng giao dịch luôn duy trì trên mức trung bình 20 ngày cho thấy nhà đầu tư rất quan tâm đến thị trường.

Trong ngắn hạn nhà đầu tư cần lưu ý 2 yếu tố đó là: Diễn biến của chỉ số VN-Index khi về vùng đỉnh cũ (1.245 điểm) và thanh khoản khớp lệnh trên HSX với mức tham chiếu là mức trung bình của tuần này vào khoảng 1 tỷ đơn vị mỗi phiên.