Xây dựng chính sách thuế: Coi trọng khâu tham vấn để phù hợp thực tế
Công tác xây dựng pháp luật về thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng của ngành Tài chính trong thời gian qua đã thực hiện khá hiệu quả khâu tham vấn, lấy ý kiến để có những chính sách không chỉ đúng luật mà còn phù hợp thực tế phát sinh...
Tham vấn hiệu quả, chính sách sát thực tiễn
Bàn về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ Thuế Thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết: Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung. Để quy định chi tiết, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về một số điều của Luật Thuế TNCN.
Sau đó, để hướng dẫn thực hiện, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành nhiều thông tư hướng dẫn triển khai, thông tư sửa đổi bổ sung để phù hợp với luật, nghị định và thực tế phát sinh.
Đặc biệt theo bà Hạnh, khi xây dựng thông tư hướng dẫn về thuế TNCN, Tổng cục Thuế đã thực hiện đầy đủ và hiệu quả khâu tổ chức lấy ý kiến tham vấn của các đối tượng liên quan. Cụ thể là người nộp thuế; cơ quan thuế; UBND các tỉnh, thành phố; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài (đơn vị đại diện cho tổ chức trả thu nhập); các bộ, cơ quan ngang bộ, ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đại diện cơ quan thuế cho biết thêm, tại các địa phương trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế nói chung, thuế TNCN nói riêng, Tổng cục Thuế đã tổ chức nhiều hội thảo để tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, các vướng mắc phát sinh, hướng giải quyết và hoàn thiện tại dự thảo thông tư.“Trong đó, tập trung vào 13 cục thuế có số thu thuế TNCN cao, chiếm khoảng 80% tổng số thu thuế TNCN của cả nước”, bà Hạnh nói.
Xây dựng dự thảo thông tư chất lượng trước khi lấy ý kiến
Để công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế trong thời gian tới hiệu quả hơn, cụ thể đối với thuế TNCN, theo các chuyên gia, trước tiên cần xây dựng dự thảo thông tư đảm bảo chất lượng trước khi gửi lấy ý kiến.
Thêm vào đó, việc gửi các tài liệu, dữ liệu liên quan như giải trình dự thảo thông tư về các nội dung hướng dẫn hoặc nội dung sửa đổi bổ sung, lý do hướng dẫn hoặc sửa đổi bổ sung, kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động kèm theo dự thảo thông tư là rất cần thiết để thuận lợi khi tham gia ý kiến.
Theo ông Nestor Scherbey, chuyên gia quốc tế, Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (Dự án USAID/Việt Nam GIG), cần phát huy hiệu quả và tiếp tục tăng cường công tác tham vấn ý kiến, nhất là đối với các đối tượng liên quan trực tiếp.
Ông Nestor Scherbey lý giải, việc lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp là một yếu tố quan trọng trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Bởi lẽ những chính sách được lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản thường hạn chế được nhiều bất cập, vướng mắc khi chính sách được thực thi trong thực tiễn. Công tác này cần diễn ra thường xuyên để có thể thay đổi linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới.
“Đặc biệt, trong xây dựng pháp luật về thuế, tôi luôn đánh giá cao tất cả những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đây là khu vực đối tượng có nhiều “va chạm” nhất đối với chính sách thuế”, ông Nestor Scherbey nhấn mạnh.