Bộ Tài chính ứng dụng nền tảng số hóa phục vụ người dân, doanh nghiệp

Trần Huyền

Giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính hướng tới mục tiêu cơ quan Bộ đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phấn đấu tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính

Tại Quyết định số 237/QĐ-BTC ngày 3/3/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Tài chính, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025. Tại Kế hoạch, Bộ Tài chính đã đề ra các mục tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể để triển khai các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính tại cơ quan Bộ Tài chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% dịch vụ công trực tuyến tại cơ quan Bộ Tài chính được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp của cơ quan Bộ Tài chính được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính tại cơ quan Bộ Tài chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

Đặc biệt, Bộ Tài chính phấn đấu tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan Bộ Tài chính; 100% các dữ liệu được cung cấp trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính (dữ liệu được phép công bố theo quy định của pháp luật) theo yêu cầu về dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số... 

Phấn đấu tối thiểu 80% thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính tại cơ quan Bộ Tài chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến. Trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính tại cơ quan Bộ Tài chính không phải cung cấp lại các thông tin giấy tờ tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó... 

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

Để thực hiện các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính xác định là phát triển ứng dụng, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ và phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, hoàn thành triển khai Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành nâng cấp Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính...

Bộ Tài chính tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả sử dụng các dịch vụ công đã được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục xây dựng mới, triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng thời, phát triển dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân và theo các sự kiện trong cuộc đời, người dân chỉ cung cấp thông tin một lần, tận dụng sức mạnh của công nghệ để phát triển các dịch vụ số mới; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện.

Một nội dung khác sẽ được Bộ Tài chính triển khai là xây dựng kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, ra quyết định của Bộ Tài chính; triển khai hệ thống trả lời tự động cơ quan Bộ Tài chính, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ trợ lý ảo, trả lời tự động.

Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả các công nghệ số mới như điện toán đám mây (cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), mạng xã hội... trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số tại Bộ Tài chính để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng, vận hành hệ thống thông tin và tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc. Triển khai hệ thống trả lời tự động cơ quan Bộ Tài chính, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch vụ trợ lý ảo, trả lời tự động.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Theo đó, ứng dụng các kênh truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức, hình thành văn hóa số cho cán bộ công chức, viên chức ngành Tài chính tiếp cận các dịch vụ Chính phủ số, Tài chính số; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đối với công chức, viên chức Bộ Tài chính.

Đồng thời, xây dựng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức để nhanh chóng phổ cập kiến thức, kỹ năng số cần thiết, cơ bản, tạo điều kiện hòa nhập cuộc sống số; xây dựng các nền tảng, kênh tương tác trực tuyến giữa Bộ Tài chính với người dân, doanh nghiệp để quảng bá thông tin, tăng cường sự tham gia, góp ý của người dân trong các hoạt động quản lý, quá trình ra quyết định.

Các mục tiêu và giải pháp trên tiếp tục thể hiện nỗ lực cải cách hành chính với phương châm đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp của Bộ Tài chính. Trong 8 năm qua, Bộ Tài chính luôn giữ vị trí dẫn đầu khối bộ, ngành trong bảng xếp hạng về Chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT index). 7 năm liên tục, Bộ Tài chính luôn nằm trong top 3 Bộ đứng đầu về xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).