Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm

H. Anh

Tại phiên thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chiều ngày 9/11 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Nguồn: internet
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Nguồn: internet

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, nhiệm vụ thu, chi ngân sách của năm 2021 có thể nói là hoàn thành với thu ngân sách vượt dự toán đề ra và chi ngân sách đảm bảo bám sát dự toán, bội chi ngân sách đảm bảo ở mức 4% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách tài khóa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân cũng như phòng, chống dịch bệnh với tổng mức khoảng 200.000 tỷ đồng. Riêng Nghị định số 52/NĐ-CP đã giãn, hoãn thuế cho các doanh nghiệp 115.000 tỷ đồng, Nghị định số 92/NĐ-CP đã giảm 21.300 tỷ đồng, Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 huy động được gần 9.000 tỷ đồng. Chính sách tài khóa được điều hành một cách linh hoạt.

Liên quan đến ý kiến đại biểu Quốc hội nêu về dư địa của nợ công còn lớn, cần tăng bội chi ngân sách, Bộ trưởng thông tin, dư địa không còn nhiều. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vay của Chính phủ là 1.852.000 tỷ đồng, giai đoạn năm 2021-2025 đã biểu quyết dự kiến vay là 3.068.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước.

Nợ công của năm 2025 gấp 1,6 lần so với năm 2020, theo đánh giá là khoảng 45,6% GDP nhưng là GDP mới, nếu tính theo GDP cũ là nằm ở 57,9%, tức là đã vượt ngưỡng 55%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính ủng hộ các gói kích cầu để đảm bảo thúc đẩy kinh tế phát triển và sau đó quay trở lại thu ngân sách và giảm tăng bội chi trong năm nay, giảm bội chi trong các năm sau và vẫn đảm bảo mục tiêu của cả giai đoạn.

Bộ trưởng cho biết: "Chúng tôi đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, hai năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu hỗ trợ lãi suất 4% thì sẽ có 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế", qua đó sẽ thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, góp phần giảm bội chi ngân sách.

Quang cảnh phiên họp. Nguồn: internet
Quang cảnh phiên họp. Nguồn: internet

Về ý kiến liên quan đến chính sách ưu đãi đối với khu khu công nghiệp sinh thái, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện cả nước có 18 khu kinh tế và 377 khu công nghiệp và đã có chính sách ưu đãi như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn 4 năm, giảm 5% của 9 năm tiếp theo và một số chính sách khác.

Về thuế đối với phân bón, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, sẽ hoàn thiện cùng với hoàn thiện Luật thuế. Theo Bộ trưởng, hiện nay thuế với phân bón là 0%, nên doanh nghiệp sản xuất trong nước thiệt hại do không được hưởng hoàn thuế đầu vào. Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu tham mưu đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng mặt hàng phân bón lên 5%.

Liên quan đến đề xuất tăng tính chủ động của ngân sách trung ương, theo Bộ trưởng, hiện nay, Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ xây dựng đề án để phân cấp quản lý ngân sách, tăng tính chủ động của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đồng thời sẽ sửa Luật Ngân sách Nhà nước vào thời gian tới.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng đã làm rõ nhiều nội dung khác được đại biểu Quốc hội quan tâm như: tỷ lệ điều tiết của TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai; hỗ trợ lãi suất; các khoản tăng thu ngân sách nhà nước...

Bộ trưởng mong muốn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và phản ánh kịp thời của đại biểu Quốc hội để Bộ Tài chính hoàn thiện và tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, điều hành công tác tài chính - ngân sách nhà nước, chính sách tài khóa có hiệu quả nhất, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.