Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững từ nền nông nghiệp xanh

Thanh Song

Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp là tăng trưởng ngành nông nghiệp về kinh tế, xã hội và môi trường, hướng tới phục hồi, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp xanh là một nội dung của phát triển bền vững, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (1/10/2021) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (22/07/2022), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (12/9/2022).

Kế hoạch hành động bảo đảm phù hợp và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ định hướng của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược khác của ngành có liên quan.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 được chỉ rõ qua các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; giảm ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050. Hài hòa hóa các mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh; gắn tăng trưởng xanh với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.

Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh.

Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp... đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp là vấn đề rất cấp thiết hiện nay, các nghiên cứu trước đây chỉ ra những tác động lớn liên quan chủ yếu đến biến đổi khí hậu. Để thực hiện tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, điều cần thiết là phải thay đổi quan điểm bảo vệ môi trường từ các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong nông nghiệp, đồng thời từ hành động của các cơ quan chính phủ, tập đoàn và xã hội và mối quan hệ của các bên liên quan đến ngành.

Năm 2020, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá với mức tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,55%, chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, năm 2012 và năm 2018 trong giai đoạn 2011-20201, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 làm ảnh hưởng lớn nền kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ vững vàng với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đã đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ.

Để hướng tới tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp, ngành đã giảm dần việc lạm dụng các tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp như nước, đất đai. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã ban hành Kế hoạch hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Thực tiễn trong thời gian qua, đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nông dân có kỹ năng sản xuất, tăng trưởng nông nghiệp rất tốt trong nhiều năm qua. Sự phát triển của các mô hình canh tác lúa bền vững (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, SRI, ICM…) trong những năm gần đây tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân trồng lúa tại Việt Nam.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi...

Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường. Mô hình lúa – tôm, lúa – cá… không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cũng đang là một hướng đi trong phát triển nông nghiệp xanh được nhiều địa phương khai phá. Những trang trại có thể gắn kết với các làng nghề truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tạo các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng để thu hút, phục vụ khách du lịch.

Muốn phát triển nông nghiệp xanh thành công phải tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ
Muốn phát triển nông nghiệp xanh thành công phải tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ

Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.

Tuy vậy, muốn nông nghiệp xanh thành công phải dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn để tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ, do đó yêu cầu về tích tụ ruộng đất là một việc làm rất cần thiết; Trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chi phí để mua công nghệ mới quá lớn.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi chi phí ban đầu lớn, trong khi đó, năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. Hệ thống chính sách, thể chế liên quan đến tăng trưởng xanh trong nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ như các hộ gia đình chưa nhận thức được thuế, phí môi trường họ phải chịu.