Bộ Tài chính luôn chủ động trong quản lý tài khóa để phục vụ nhân dân

PV.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan tới điều chỉnh, điều chuyển dự toán ngân sách. Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tài chính luôn chủ động, linh hoạt trong quản lý tài khóa để đảm bảo phục vụ nhân dân một cách kịp thời nhất.

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán và thực tế những khoản này đã chi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, những khoản viện trợ của nước ngoài là những khoản không có dự toán trước, là những khoản bất thường. Khi nước ngoài thông báo tài trợ thì Bộ Tài chính sẽ thông báo cho địa phương hoặc nước ngoài trực tiếp tài trợ cho các tỉnh.

Bộ trưởng dẫn chứng, ở trong nước, chúng ta yêu cầu các tổ chức, đơn vị muốn tài trợ cho tổ chức nào thì đăng ký từ đầu năm. Tuy nhiên, đối với nguồn viện trợ, tổ chức nước ngoài có thể làm việc với các tỉnh và việc tài trợ cho tỉnh nào thuộc quyền chủ động của họ. Do đó, chúng ta thường bị động trong quá trình lập dự toán, phải căn cứ vào báo cáo của các bộ, ngành và các tỉnh để Bộ Tài chính tập hợp.

Đặc thù của các năm 2020, 2021, 2022, đặc biệt trong năm 2021 chủ yếu là tài trợ cho phòng, chống COVID-19. Theo đó, các tổ chức quốc tế và các nước tài trợ thiết bị y tế, kit test, vắc xin... nên gần như nhập trực tiếp vào cho các tỉnh, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội. Các tỉnh sau khi tiếp  nhận phục vụ để chống dịch thì mới tập hợp gửi về cho Bộ Tài chính. Bộ Tài chính cũng luôn chủ động trong điều hành các mặt công tác để đảm bảo phục vụ nhân dân một cách kịp thời nhất, đặc biệt là việc linh hoạt trong thông quan thiết bị phòng, chống dịch trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

Liên quan đến nội dung điều chỉnh dự toán vay của nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, việc điều chỉnh dự toán đưa sang năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến bội chi. Việc điều chỉnh dự toán này để đảm bảo tổng dự toán mà Quốc hội phê duyệt không thay đổi, dự toán về vay nước ngoài không thay đổi và chúng ta có chính sách vay và cho vay lại.

Vừa qua, có một số tỉnh triển khai không hết nguồn vốn, xin trả lại, một số tỉnh triển khai hết nhưng đang còn khối lượng muốn giải ngân muốn được điều chỉnh thêm nguồn vốn. Trên cơ sở đề nghị của các tỉnh, Bộ Tài chính tập hợp và báo cáo với Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình ra Quốc hội để phê duyệt, đảm bảo tạo thuận lợi cho các tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến điều chỉnh dự đoán của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế, Bộ trưởng thông tin, tại nghị quyết của Quốc hội nhiệm kỳ trước không những quy định cho Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế mà còn quy định cho Kiểm toán Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội, Ngân hàng Nhà nước và cho một số đơn vị hưởng chế độ đặc thù này.

Quốc hội cũng đã cho phép khi thực hiện cải cách tiền lương mới thì chế độ đặc thù của tất cả các bộ, ban, ngành sẽ phải dừng lại, không thực hiện nữa và sẽ thực hiện theo cơ chế tiền lương mới. Việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là nguồn vốn để hoàn thành các công trình dở dang và những công trình đã quyết toán.

Đối với quyền bố trí vốn đầu tư công, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí. Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính luôn cố gắng phối hợp để đảm bảo cơ sở vật chất của ngành Hải quan và Thuế hiện đại, phục vụ cho điều hành và quản lý tài khóa tốt nhất.