Căn cứ pháp lý để bán phế liệu thuộc tỷ lệ hao hụt

Theo mof.gov.vn

Giải đáp vướng mắc về bán phế liệu thuộc tỷ lệ hao hụt vào thị trường nội địa của Công ty TNHH MTV quốc tế Việt Pan – Pacific, Tổng cục Hải quan có hướng dẫn với những nội dung cụ thể để Công ty thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Hải quan, với những vướng mắc đang gặp phải, Công ty TNHH MTV quốc tế Việt Pan – Pacific căn cứ vào các cơ sở pháp lý sau:

Thứ nhất, căn cứ theo Khoản 6 Điều 16 Luật thuế XNK 107/2016/QH13 thì: “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu” thuộc đối tượng miễn thuế;

Căn cứ khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ thì: “Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan”.

Theo đó, Công ty TNHH MTV quốc tế Việt Pan - Pacific căn cứ các quy định nêu trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, Công ty liên hệ với Cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan để được hướng dẫn cụ thể.

Thứ hai, việc khai mã loại hình xuất nhập khẩu trên hệ thống VNACCS được thực hiện theo công văn số2765/TCHQ-GSQL ngày 1/4/2015 và công văn số 11567/TCHQ-TXNK ngày 8/12/2016 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, trường hợp phế liệu hợp đồng gia công Công ty chuyển tiêu thụ nội địa theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì khai mã loại hình A42.

Thứ ba, những vấn đề liên quan đến việc xác định đơn vị tính của lượng phế liệu thuộc hợp đồng gia công bán vào thị trường nội địa: Căn cứ theo Phụ lục IV Thông tư số 38/2015/TT-BTC hướng dẫn cách ghi các chỉ tiêu thông tin trên các biểu mẫu thì người khai hải quan ghi tên đơn vị tính của từng mặt hàng theo quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành hoặc thực tế giao dịch.

Theo đó, đối với lượng phế liệu thuộc hợp đồng gia công bán vào thị trường nội địa nêu trên Công ty căn cứ vào thực tế giao dịch với đối tác để lựa chọn cách ghi đơn vị tính theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành hoặc theo thực tế giao dịch của Công ty.

Thứ tư, về vướng mắc tại điểm 5 Công văn số 2017-05/PLPP ngày 22/5/2017 của Công ty TNHH MTV quốc tế Việt Pan – Pacific, Tổng cục Hải quan lý giải cụ thể như sau:

Trước 1/9/2016: Khoản 5 Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định: “5. Đối với lượng nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu thì khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng phải kê khai nộp thuế với cơ quan thuế nội địa theo quy định của pháp luật về thuế”.

Từ ngày 1/9/2016: Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định: Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan hải quan.

Do Công ty không nêu rõ thời điểm thay đổi mục đích sử dụng đối với lượng phế liệu, vật tư dư thừa nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công nên Tổng cục Hải quan chưa đủ cơ sở để trả lời cụ thể.

Với các vướng mắc và căn cứ pháp lý nêu trên, Công ty có thể áp dụng thực hiện và liên hệ với cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai, cơ quan thuế nội địa để được hướng dẫn giải quyết cụ thể và cặn kẽ hơn.