Cẩn trọng với hàng “xách tay”
Hàng xách tay được hiểu nôm na là hàng từ nước ngoài đem về Việt Nam theo đường hành lý cá nhân. Theo đó, về lý thuyết thì các mặt hàng này chỉ có số lượng nhỏ, chủng loại hạn chế. Thế nhưng hiện nay, nguồn hàng này lại vô cùng phong phú và “mua bao nhiêu cũng có”.
Thậm chí, kinh doanh hàng xách tay hiện nay không chỉ là vài cửa hàng nhỏ trong ngõ, tận dụng mặt tiền nhà ở để mở cửa hàng kiếm thêm thu nhập, mà vươn ra thành những “phố” xách tay như đường Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội)… Sản phẩm bày bán rất nhiều loại, từ quần áo, túi xách, kính mắt, thực phẩm chức năng, hoa quả tươi, đến hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng…
Theo một cán bộ quản lý thị trường, người Việt thường có tâm lý sính ngoại, hễ sản phẩm nào của nước ngoài thì đều rất thích mua dùng, làm quà biếu tặng... Vì tâm lý này nên có không ít khách hàng là “tín đồ” của các sản phẩm xách tay từ nước ngoài về Việt Nam, là “khách quen” của các phố xách tay tại Hà Nội. Theo trào lưu đó, các cửa hàng chuyên doanh sản phẩm xách tay cứ thế mà “ăn nên làm ra”, hàng bán hàng nhập liên tiếp.
Tuy nhiên, chính một số đầu nậu trong ngành cũng thừa nhận, bên cạnh những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng và được xách tay về nước với số lượng nhỏ (có hóa đơn mua hàng), thì hiện nay có nhiều loại hàng lậu, hàng nhái cũng núp bóng hàng xách tay để câu khách.
Bởi vậy, trong nhiều trường hợp người tiêu dùng không những bị “móc túi” vì những sản phẩm trôi nổi gắn mác ngoại, mà còn gặp nhiều rủi ro khi dùng hàng xách tay nhập nhèm về chất lượng, đặc biệt đối với những mặt hàng là thực phẩm, mỹ phẩm…
Thậm chí, có một thực tế là thị trường hàng xách tay hiện gần như đang được “thả nổi”. Nhiều nguồn hàng được nhập về qua đường buôn lậu, các lô hàng không có giấy tờ xuất xứ, chỉ được người bán quảng cáo theo kiểu “có người nhà đi nước ngoài xách về”, hay “có người thân làm tiếp viên hàng không đem về”… Chất lượng hàng xách tay loại này không được cơ quan chức năng kiểm tra, giám định.
Chị Ngô Bích Phương (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ, khi sắm hàng xách tay người mua chỉ biết tin vào người bán, bởi bao bì, nhãn mác thì ghi hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, nếu có thì cũng chỉ có một vài dòng chữ tiếng Việt do người bán tự ghi vào giấy, dán đè lên hộp. Người nọ mua rồi mách người kia mua chứ không ai có thể kiểm chứng được chất lượng.
Trong khi đó, thực tế là ngay cả với các mặt hàng xách tay từ nước ngoài về, không phải sản phẩm xách tay nào chất lượng cũng tốt, bởi ở nước ngoài cũng có nhà sản xuất nhỏ lẻ bên cạnh các nhà sản xuất lớn, có thương hiệu. Nhưng dù là vậy, giá bán các sản phẩm này lại được các đầu nậu nâng lên khá cao, với lý do hàng nhập về từ nước ngoài, chất lượng tốt, sản phẩm độc đáo, sản xuất có giới hạn số lượng…
Theo một cán bộ hải quan, người tiêu dùng nên cẩn trọng với hàng xách tay. Đặc biệt khi mua cần chú ý đến thời hạn sử dụng bởi hàng xách tay nhiều khi nhập về đến Việt Nam đã “quá đát”, hay hàng cận ngày sử dụng vẫn được nhập về. Bên cạnh đó, vì giá bán cao, lại “lách” được kiểm tra chất lượng của cơ quan chức năng nên dẫn đến thực trạng là có khá nhiều hàng giả, hàng nhái trà trộn với hàng chính hãng.
Cũng theo vị cán bộ hải quan nói trên, bình thường hàng nhập khẩu chính ngạch phải qua rất nhiều thủ tục kiểm tra, có sự xác nhận của nhà sản xuất thực… Riêng các sản phẩm chức năng còn được lấy mẫu kiểm nghiệm, hàng đạt chất lượng mới được thông quan và đưa ra thị trường...
Những quy trình này nhằm đảm bảo hàng bán cho người tiêu dùng là hàng chính hãng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Ngược lại, hàng xách tay không có kiểm nghiệm chất lượng, không có cơ sở đảm bảo là hàng chính hãng...
Bên cạnh đó, khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, người tiêu dùng khó đòi hỏi các chủ cửa hàng, nhà sản xuất bồi thường, bởi vì mua bán qua mạng, mua bán hàng xách tay thì người bán nhiều khi cũng không nắm rõ nguồn gốc hàng hóa, và người mua thì càng… mù tịt. Chính vì vậy, để không mua phải hàng xách tay kém chất lượng mà giá cao, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua.
Từ thực trạng đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý để không cho phép lưu thông các mặt hàng hàng xách tay nhái, giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Còn trong khi chờ lực lượng kiểm tra của các cơ quan chức năng kiểm soát được hết tất cả những mặt hàng xách tay được bày bán trên thị trường, mỗi người chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn, mua bán, sử dụng hàng xách tay.