Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo xanh

Minh Anh

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, đổi mới sáng tạo xanh.

Các sản phẩm thực hiện trong quá trình đổi mới, sáng tạo phát triển xanh, bền vững. Nguồn: Internet
Các sản phẩm thực hiện trong quá trình đổi mới, sáng tạo phát triển xanh, bền vững. Nguồn: Internet

Theo Báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” của nhóm tác giả Nguyễn Hoa Cương, Nguyễn Thị Luyến (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trưng ương), trong thời gian qua, nhiều chính sách thuế, phí khuyến khích các doanh nghiệp (DN) sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm bảo vệ môi trường đã được xây dựng và hoàn thiện. Điển hình như: Chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên; các chính sách miễn, giảm thuế sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo và miễn, giảm thuế xuất, nhập khẩu đối với hàng hóa, linh kiện và nguyên liệu sử dụng trong sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường; các chính sách thuế, phí đối với các hoạt động liên quan đến môi trường.

Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Luật số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020) quy định nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng đến tăng trưởng xanh. Theo quy định, doanh nghiệp thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ được miễn thuế trong thời gian thực hiện hợp đồng nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày bắt đầu có doanh thu từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao được áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020 quy định các thu nhập thuộc diện được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 15 năm gồm:

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước theo quy định của pháp luật; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composite, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường;

- Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

- Thu nhập từ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao;

- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 05 năm kể từ ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được hưởng ưu đãi với mức thuế suất thuế thu nhập 17% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Về chính sách thuế giá trị gia tăng: Luật Thuế gia trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động khoa học, phát triển công nghệ.

Về chính sách về thuế xuất, nhập khẩu: Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 quy định miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường, như máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để thu gom, vận chuyển, xử lý, chế biến nước thải, rác thải, khí thải, quan trắc và phân tích môi trường, sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó, xử lý sự cố môi trường; sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải.

Về chính sách ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước: Theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, doanh nghiệp khoa học và công nghệ được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê đối với đất xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp, bao gồm: đất xây dựng phòng thí nghiệm, đất xây dựng cơ sở ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đất xây dựng cơ sở thực nghiệm, đất xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm. Nghị định số 13/2019/NĐ-CP quy định doanh nghiệp khoa học và công nghệ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đánh giá chung về các ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo xanh, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước đã từng bước đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV, trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan. Trong nhóm giải pháp chính sách tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp nhận được cao nhất. Những chính sách về thuế, phí đã tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.