Điểm lại chính sách kinh tế - tài chính nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2022

Việt Dũng

Tháng 6/2022, nhiều chính sách quan trọng liên quan đến lĩnh vực kinh tế - tài chính bắt đầu có hiệu lực như: quy định về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, quy định mới về thành lập, chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quy định mới về phí dịch vụ kiểm tra chứng thư số...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quy định mới về thành lập, chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 25/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.

Theo Nghị định, doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.

Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 23/2022/NĐ-CP

Quy định mới về phí dịch vụ kiểm tra chứng thư số

Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2022, Thông tư số 19/2022/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay.

Theo đó, mức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số là 3.000 đồng/tháng/chứng thư số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp cho thuê bao là tổ chức, doanh nghiệp (không bao gồm cá nhân).

Tổ chức thu phí được để lại 85% (trước đây là 90%) số phí thu được để trang trải chi phí phục vụ công việc; nộp 15% (trước đây là 10%) số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 19/2022/TT-BTC

Mức giảm giá cước dịch vụ bưu chính không vượt quá 50% giá cước gần nhất

Có hiệu lực từ ngày 1/6/2025, Nghị định số 25/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính.

Trong đó, Nghị định bổ sung quy định về khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính. Cụ thể, việc khuyến mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại. Mức giảm giá cước tối đa đối với dịch vụ bưu chính được khuyến mại bằng hình thức giảm giá không được vượt quá 50% giá cước gần nhất đã công khai, thông báo theo quy định.

Nghị định cũng bổ sung quy định về trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép bưu chính như sau:

Thứ nhất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép bưu chính gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Bưu chính giải trình, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan theo thời gian nêu trong văn bản. 

Thứ hai, trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức làm việc với doanh nghiệp thì phải lập biên bản buổi làm việc, kể cả trong trường hợp doanh nghiệp không giải trình, không cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định. 

Thứ ba, sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trong văn bản mà doanh nghiệp không giải trình hoặc giải trình không phù hợp với quy định thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép bưu chính ban hành quyết định thu hồi giấy phép.

Thứ tư, việc thu hồi giấy phép bưu chính được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép bưu chính thực hiện bằng hình thức công bố hết hiệu lực.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 25/2022/NĐ-CP

Chính sách mới về hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp 

Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9/5/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 24/6/2022.

Theo quy định, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) được hỗ trợ tối đa theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo quy định nêu trên được hỗ trợ tối đa theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Theo đó, mức hỗ trợ tối đa là 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg