Cổ phiếu ngành bán lẻ sẽ “tăng từ từ” trong những tháng cuối năm?
Về lý thuyết, càng về thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm càng cao, giúp ngành Bán lẻ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, sau đợt giãn cách kéo dài ở nhiều tỉnh thành, nền kinh tế bị đóng cửa, thu nhập và hành vi tiêu dùng của nhiều người dân đã có ít nhiều thay đổi trong ngắn hạn. Do đó, tăng trưởng của ngành bán lẻ chưa có nhiều bứt tốc mà sẽ... từ từ tăng.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 ước tính đạt 357,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng trước, nhưng giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 3,7 triệu tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sang quý IV/2021, doanh số bán lẻ đã có sự khởi sắc sau thời gian dài giãn cách. Hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết trên sàn cũng đã sôi động hơn. Nhất là những tháng cuối năm thường là cao điểm về mua sắm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, vẫn có khoảng cách khá xa về tăng trưởng.
Theo bà Phạm Huyền Trang - Trưởng nhóm Ngành hàng Tiêu dùng, Trung tâm Tư vấn và phân tích đầu tư SSI, mức độ phục hồi của ngành Bán lẻ trong những tháng cuối năm là dần dần chứ khó có thể nhanh được. Dưới tác động của dịch COVID-19, thu nhập khả dụng và hành vi tiêu dùng của người dân cũng đã ít nhiều thay đổi trong ngắn hạn.
Bà Trang cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cầu tiêu dùng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, còn khá yếu. Do đó, doanh nghiệp khó mà có thể tăng giá bán lẻ được. Ngay cả, trong điều kiện lạm phát tăng trước áp lực giá cả thế giới cao thì các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ được ưu tiên tiêu thụ trước, ví dụ như thực phẩm, xăng dầu... Còn lại các mặt hàng không thiết yếu ít dư địa tăng vì cầu tiêu dùng chưa mạnh.
Đối với các mặt hàng xa xỉ, mức độ ảnh hưởng không nhiều bởi vì đối tượng tiêu dùng những mặt hàng này là những người có thu nhập cao.
Về triển vọng trung và dài hạn, ngành Bán lẻ sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt. Bởi lẽ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch giúp các yếu tố vĩ mô trở nên tích cực hơn, trong đó bao gồm mức thu nhập của người tiêu dùng sẽ là một động lực tăng trưởng lớn cho ngành Bán lẻ về dài hạn.
Do đó, thời điểm này, nhà đầu tư có thể “canh” mua những cổ phiếu nhóm ngành Bán lẻ để tích lũy, chờ ngày thăng hoa.
Điểm sáng trong ngành Bán lẻ là mặt hàng công nghệ. Xu hướng làm việc, học tập tại nhà vẫn được duy trì. Vì vậy nhu cầu mua laptop, máy tính phục vụ cho công việc và học tập trong quý III và quý IV/2021 vẫn tăng cao, thậm chí có tình trạng khan hàng máy tính.
Theo nhiều chuyên gia dự báo, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ công nghệ sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong thời gian tới do cầu lớn. Đặc biệt là khi sản xuất vẫn đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung linh kiện, cơn “sốt laptop” này sẽ còn được kéo dài một khoảng thời gian nữa. Một số ông lớn trong lĩnh vực này có thể kể đến như MWG, FRT, DGW, PET...
Trong xu hướng dài hạn, hành vi của người tiêu dùng có thể sẽ được dịch chuyển sang hình thức trực tuyến, đây hứa hẹn sẽ là một kênh bán hàng tiềm năng cho các doanh nghiệp bán lẻ.