Công tác quản lý thuế của Lào trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra thách thức cho quản lý kinh tế của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nói chung và vấn đề quản lý thuế nói riêng. Điều đó đòi hỏi công tác quản lý thuế của Lào cần có những điều chỉnh về hệ thống chính sách thuế, hình thức lẫn nội dung, tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý đến phương pháp thực hiện... cho phù hợp với yêu cầu mới trong bối cảnh hội nhập.
Tác động từ hội nhập kinh tế quốc tế
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND) thực hiện chuyển đổi kinh tế từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từ năm 1986. Qua hơn 30 năm thực hiện mở cửa nền kinh tế của Lào đã phát triển vượt bậc. Năm 1980, GDP bình quân đầu người của Lào chỉ đạt 118 USD/người, năm 2015 đã trên 1.800 USD/người; tăng trưởng GDP bình quân từ năm 2010-2015 đạt 7,9%.
Cơ cấu kinh tế nhiều năm trở lại đây đã phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đến năm 2015, trong cơ cấu kinh tế, ngành dịch vụ chiếm 47,2%, công nghiệp chiếm 29,1% và nông nghiệp chiếm 23,7%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tăng lên hàng năm, trung bình 5 năm chiếm 24,6% GDP, thu từ thuế chiếm khoảng 18,9% GDP…
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng đối với nền kinh tế Lào. Kể từ khi thông qua Luật Đầu tư nước ngoài năm 1988 đến nay, Lào đã thu hút được trên 22 tỷ USD với hơn 4.500 dự án của các nhà đầu tư đến từ 54 nước và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, việc chính thức trở thành thành viên thứ 158 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2013 đã đem đến nhiều cơ hội giúp Lào thu hút đầu tư quốc tế và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Hội nhập kinh tế quốc tế vừa tạo ra những cơ hội, vừa đặt ra những thách thức cho quản lý kinh tế của Lào nói chung và quản lý thu thuế nói riêng. Dưới áp lực của hội nhập kinh tế quốc tế, CHDCND Lào phải tiến hành điều chỉnh chính sách và các hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và quan hệ kinh tế quốc tế theo hướng tự do hóa và mở cửa hơn. Một thách thức lớn đối với nền kinh tế hội nhập đó là sự cạnh tranh gay gắt trên nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện cả về quy mô, tính chất và mức độ tác động. Có thể khái quát các tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến công tác thuế nói chung và quản lý thu thuế nói riêng của Lào như sau:
- Các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN. Việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trực tiếp làm giảm số thu ngân sách từ thuế nhập khẩu. Đồng thời, do thuế nhập khẩu giảm, trước mắt sẽ làm cho mức cung ứng hàng hóa vào thị trường trong nước tăng lên đáng kể, trực tiếp tác động đến thị phần hàng hóa cùng chủng loại của sản xuất trong nước làm thu hẹp quy mô và sức đầu tư của sản xuất trong nước.
Giảm thuế nhập khẩu đồng thời làm giảm cả một số sắc thuế có liên quan do phương pháp tính thuế. Vấn đề đặt ra cho công tác quản lý thuế là làm sao để có thể bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế quan mang lại là đặc biệt quan trọng từ việc thiết kế hệ thống thuế nội địa đến công tác tổ chức hành thu, quản lý chặt chẽ các nguồn thu và tăng thu cho ngân sách.
- Tự do hóa thương mại dẫn đến sự đa dạng của hàng hóa trong nước, kinh doanh buôn bán sôi động, số đối tượng nộp thuế tăng nhanh và đặc biệt là từ các quốc gia khác trên thế giới với các hình thức hoạt động kinh doanh khác nhau làm cho thị trường phức tạp lại càng đa dạng hơn. Sự phức tạp và đa dạng của thị trường xuất hiện các yếu tố bất lợi cho quản lý thuế như trốn thuế, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái... đặt ra các yêu cầu mới cho quản lý.
- Hội nhập kinh tế quốc tế kèm theo sự gia tăng các hình thức đầu tư gián tiếp, đặc biệt hình thức đầu tư nước ngoài nhưng không hiện diện tại nước sở tại, kinh doanh không có cơ sở thường trú, các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài, các văn phòng đại diện... tác động lớn đến việc quản lý thu thuế tại nước sở tại.
- Thu hút đầu tư do mở cửa thị trường vốn dẫn đến gia tăng các hình thức đầu tư, các hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, các hình thức góp vốn và phân chia lợi nhuận... từ các quốc gia khác nhau đặt ra cho quản lý thuế cần phải có những quy định phù hợp nhằm quản lý có hiệu quả các hoạt động này.
- Các quan hệ kinh tế phát sinh ngày càng đa dạng và phức tạp hơn không chỉ là việc mua bán kinh doanh đơn thuần mà xuất hiện các hình thức kinh doanh khác như: kinh doanh bản quyền, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là thương mại điện tử làm thay đổi hẳn các phương thức kinh doanh truyền thống, không chỉ giới hạn trong một quốc gia mà còn vượt ra ngoài phạm vi một nước hay khu vực. Những thay đổi này đặt ra cho công tác quản lý thuế nhiều thách thức mới, căn cứ tính thuế thay đổi, cơ sở xác định thuế thay đổi, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh rất lớn trong phương thức quản lý thuế.
- Trong điều kiện mở cửa nền kinh tế các quan hệ kinh tế vượt ra ngoài phạm vi một nước, việc đánh thuế trùng giữa các quốc gia là tất yếu xẩy ra. Sự khác biệt về chính sách thuế giữa các quốc gia, các ưu đãi về thuế, các quan điểm kinh tế khác nhau cũng dẫn đến sự vô hiệu hóa các chính sách của nhau, khó khăn cuối cùng vẫn thuộc về người nộp thuế. Đó là rào cản lớn cho quá trình di chuyển các nguồn vốn hay thu hút đầu tư của các nước đang phát triển.
- Xu thế quốc tế hóa với sự tồn tại và phát triển của các công ty xuyên quốc gia, công ty đa quốc gia với các mô hình công ty mẹ, công ty con cùng với việc di chuyển các luồng vốn, nguồn lao động liên tục giữa các quốc gia dẫn đến việc xuất hiện các quan hệ không trên cơ sở thị trường (chuyển giá) khó phân định nguồn gốc các khoản doanh thu, các khoản thu nhập, dẫn đến khó xác định cơ sở tính thuế, không xác định được lãi thật, lãi giả và tất yếu có sự di chuyển các nguồn thu nhập từ các quốc gia có thuế suất cao sang các quốc gia có thuế suất thấp hay được ưu đãi về thuế để trốn thuế.
Yêu cầu và mục tiêu đối với quản lý thuế trong điều kiện hội nhập
Những vấn đề trên đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác quản lý thuế của Lào, đó là cần phải có những thay đổi lớn cả về hệ thống chính sách thuế, cả về hình thức lẫn nội dung, cả về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý đến phương pháp thực hiện.
Một số yêu cầu và mục tiêu cần chú trọng thực hiện gồm:
- Cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, đi đôi với tạo cơ sở pháp lý để hiện đại hoá công tác quản lý thuế về đơn giản hoá thủ tục hành chính; Cụ thể hoá và sửa đổi một số nội dung cho sát với thực tế quản lý thuế nhằm tăng cường tính hiệu lực, khả thi.
- Cần tăng cường hoàn thiện về thẩm quyền, biện pháp quản lý thuế để phù hợp hơn với các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, góp phần tăng cường năng lực, hiệu lực công tác quản lý thuế, đảm bảo lợi ích quốc gia về quyền thu thuế (chống dàn xếp tránh thuế, chuyển giá,...).
- Chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
- Tăng cường thúc đẩy công tác hiện đại hoá hệ thống thuế, hải quan, đẩy mạnh quản lý thuế điện tử, đáp ứng yêu cầu hội nhập và đồng bộ với các cam kết quốc tế.
- Khắc phục kịp thời những hạn chế trong thực tiễn quản lý thuế; tăng cường các biện pháp quản lý kiểm tra, giám sát để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế; thực hiện thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
- Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy ngành thuế đảm bảo tinh gọn, phù hợp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong công tác quản lý thuế.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Vụ Chính sách, Bộ Tài chính CHDCND Lào;
2. Báo cáo của Tổng cục Thuế CHDCND Lào;
3. Báo cáo của Tổng cục Thống kê CHDCND Lào;
4. Báo cáo tổng kết công tác thu, chi NSNN 5 năm 2010-2015 của Bộ Tài chính CHDCND Lào, ngày 31/3/2016…