Dấu ấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trong lãnh đạo ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong 8 năm qua, ngành Tài chính luôn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ.
Phát biểu tại Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ do Thành uỷ Hà Nội tổ chức sáng ngày 3/4/2021, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chúc mừng đồng chí Đinh Tiến Dũng được Bộ Chính trị tín nhiệm, tin tưởng phân công giữ chức Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, đây là vinh dự rất lớn đối với đồng chí Đinh Tiến Dũng và cũng là vinh dự, niềm tự hào đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Tài chính.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, đồng chí Đinh Tiến Dũng được phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính giữa năm 2013, trong bối cảnh đất nước chịu tác động rất lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới; tăng trưởng kinh tế năm đó chỉ tăng 5,2%; thu ngân sách chỉ trên 21% GDP, là năm bội chi ngân sách ở mức 6,77%, cao hơn nhiều so với mức an toàn 5%; nợ công đạt đỉnh 63,8%.
Trong bối cảnh đó, đồng chí Đinh Tiến Dũng đã cùng tập thể Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính và toàn Ngành tập trung xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về tái cơ cấu nền tài chính quốc gia để đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, dấu ấn của đồng chí Đinh Tiến Dũng trong lãnh đạo toàn ngành Tài chính triển khai có kết quả nhiệm vụ chính trị thể hiện trên 4 mặt công tác quan trọng, cụ thể:
Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý tài chính ngân sách. Trong 8 năm qua, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đinh Tiến Dũng, ngành Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 12 Luật, 180 nghị định, phủ kín toàn bộ thể chế pháp luật đối với các lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo tái cơ cấu lại nền tài chính quốc gia. Đặc biệt, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế chỉ 2,9% nhưng nợ công giảm chỉ còn 54%, bội chi chỉ còn 3,5% GDP. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, 8 năm qua, ngành Tài chính luôn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ.
Tổng vượt dự toán ngân sách trong 5 năm qua là 680 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ động viên đạt 25,4%, nhờ đó, 63 tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Điều này cũng thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Nhờ đó, đã cân đối lại được ngân sách. Tổng chi đầu tư phát triển đã đạt 28,5% tổng chi ngân sách nhà nước, đảm bảo nhiệm vụ an sinh xã hội, an toàn nợ công.
Thứ ba, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ đó, đến nay xếp hạng cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá đạt mức ổn định và triển vọng tích cực, xếp thứ 62 trong 180 quốc gia.
Thứ tư, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế. Năm 2013, công chức viên chức ngành Tài chính là 76.800 người thì đến ngày 31/12/2020 chỉ còn 66.681 người, giảm 11 nghìn người, vượt yêu cầu các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Ngành Tài chính cũng đã sắp xếp lại, tinh giản 3.700 đầu mối; hiệu quả công tác được nâng lên; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và kinh tế số được đẩy nhanh.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính và toàn thể cán bộ công chức ngành Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn gửi lời chúc đồng chí Đinh Tiến Dũng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong vị trí công tác mới và tiếp tục theo dõi, phối hợp và ủng hộ ngành Tài chính trong giai đoạn tới.