Đẩy mạnh, đa dạng hóa hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp

Nguyễn Ngọc Huyền

Bối cảnh mới với sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng đã đặt ra nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Để làm được điều này, một trong những yếu tố quan trọng là đẩy mạnh và đa dạng hóa hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Đây là một trong nhiều chủ trương mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng tới và đang hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia.

 Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp sẽ nâng cao chất lượng đào tạo.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp sẽ nâng cao chất lượng đào tạo.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay

Để đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam cần xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, hiện đại, hội nhập kỹ năng học tập suốt đời cho người dân gắn với doanh nghiệp và việc làm, thị trường an sinh xã hội.

Theo đó, hợp tác quốc tế được xem là giải pháp quan trọng, phù hợp với xu thế mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp nắm bắt cơ hội, nâng cao năng suất lao động và bắt kịp xu hướng thay đổi, phát triển của thế giới. Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề cũng sẽ mở ra cơ hội để sinh viên Việt Nam bắt kịp xu hướng và hòa nhập tốt được với thị trường lao động thế giới.

Tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được Đảng và Nhà nước cụ thể hóa bằng nhiều Nghị quyết và Quyết định nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, định hình mô hình phát triển theo hướng đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 là nước phát triển.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai thực hiện đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế". Đẩy mạnh và đa dạng hóa trong hợp tác quốc tế cũng là một trong nhiều chủ trương mà Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp hướng tới.

Theo đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hiện tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, chú trọng mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, tích cực tham gia các diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp cũng như các cuộc thi kỹ năng nghề. Đồng thời, chủ động quan hệ hợp tác với các nước phát triển trong khu vực và thế giới về các lĩnh vực đào tạo theo chuẩn quốc tế, xây dựng chuẩn năng lực cho nhà giáo; kết hợp đào tạo giáo viên tại nước ngoài, tranh thủ kinh nghiệm và kỹ năng của chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam, trau dồi và nâng cao kiến thức ngoại ngữ…

Theo thống kê, tính đến thời điểm này có khoảng 5.000 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo; Khoảng 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài như: Malaysia, Australia, Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…; 655 nhà giáo được đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Australia, Đức, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.

Với nhiều lợi thế, chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng khẳng định là hướng đi được nhiều cơ sở giáo dục có uy tín lựa chọn để từng bước tiếp cận và đưa sinh viên vào thị trường lao động thế giới. Hợp tác quốc tế đã trở thành nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Các trường tham gia đào tạo đều có chung các tiêu chí như: Cơ sở vật chất hiện đại, sinh viên được học tập trên các trang thiết bị tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ giáo viên có trình độ.

Các dự án liên kết đào tạo quốc tế; trao đổi kinh nghiệm và tiêu chuẩn giáo dục nghề nghiệp; trao đổi chương trình giáo trình; trao đổi giảng viên, sinh viên; du học sinh và thực tập sinh được coi là các mô hình hợp tác quốc tế quan trọng hiện nay. Nhờ đó, các sinh viên học nghề có nhiều cơ hội được tiếp cận với trình độ cao hơn, phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như mở ra các cơ hội nghề nghiệp trong môi trường quốc tế.

Chất lượng đào tạo của Việt Nam đã được nâng lên, thể hiện qua việc nhiều học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có thành tích cao trong kỳ thi tay nghề ASEAN hay của thế giới. Trên 80% học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có việc làm, thu nhập tốt sau khi ra trường. Đặc biệt, nhiều chủ sử dụng lao động đánh giá cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đào tạo ra vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt cho thị trường lao động. Chất lượng lao động của Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến năng suất thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hạn chế này đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cạnh trạnh trên thị trường lao động trong nước và thế giới đòi hỏi người lao động phải đạt được chuẩn nghề nghiệp, kỹ năng nghề và các kỹ năng mềm khác.

Đặc biệt, trước áp lực cuộc Cách mạng công nghiệp 4,0, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới phương thức đào tạo; tranh thủ nguồn lực bên ngoài để theo kịp xu hướng mới của nền giáo dục thế giới. Sự hỗ trợ, hợp tác với tổ chức giáo dục quốc tế, nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng, từ đó góp phần tăng năng suất lao động cũng như tính cạnh tranh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh, đa dạng hóa hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp

Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược với định hướng xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt. Đây là cơ sở quan trọng cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế...

Để thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục nghề nghiệp, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam một mặt phải tự đổi mới, đổi mới từ cơ chế quản lý đến toàn bộ quá trình đào tạo; mặt khác cần tiếp thu, áp dụng những trí thức khoa học và công nghệ của thế giới, tiếp thu những ưu điểm của các mô hình dạy nghề hiện đại của các nước để phát triển dạy nghề trong nước, tạo ra đột phá về chất lượng dạy nghề.

Theo đó, cần hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế có nhiều thành công trong giáo dục nghề nghiệp, nhất là Đức và các nước ASEAN trên các phương diện như: Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý dạy nghề, nâng cao năng lực hoạch định và xây dựng chính sách dạy nghề cho Việt Nam; Thu hút các nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ để phát triển dạy nghề, trong đó tập trung phát triển các trường nghề chất lượng cao, một số trường đạt đẳng cấp quốc tế và khu vực; Hợp tác đào tạo nghề chất lượng cao cho các doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực của cả hệ thống; hỗ trợ đầu tư cơ sở dạy nghề đạt chất lượng cao, đào tạo những nghề đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế… thông qua các chương trình, dự án cụ thể.

Nhà trường cũng cần cập nhật kịp thời những thay đổi của công nghệ, khoa học kỹ thuật đưa vào chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học trong quá trình thực hành kỹ năng nghề bắt kịp xu thế đào tạo mới. 

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ nhà giáo; đẩy mạnh truyền thông về các chương trình đào tạo liên kết quốc tế đến với học viên để nắm bắt và tận dụng cơ hội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng mối quan hệ hợp tác với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, để các nhà tuyển dụng kịp thời thu hút được lực lượng lao động chất lượng cao vào làm việc.

Ngoài ra, cần chú trọng công tác tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển và nâng cao chất lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giữa các quốc gia; Thông tin về định hướng, tiềm năng, cơ hội hợp tác; Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với các cơ quan, tổ chức quốc tế hướng tới sự phát triển bền vững.