Dịch vụ công điện tử: Hướng tới hiện đại hóa công tác kiểm soát chi
Với mục tiêu cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng cho người dân và doanh nghiệp, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, sau hơn 1 năm thực hiện, chương trình thí điểm dịch vụ công điện tử của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã ghi nhận những kết quả đáng kể.
Minh bạch
Hệ thống KBNN đã chính thức triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến tại 5 KBNN tỉnh, thành phố gồm: KBNN Hải Phòng, KBNN Hà Nội, KBNN Đà Nẵng, KBNN Cần Thơ và KBNN thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/3/2016 trên Cổng thông tin điện tử KBNN tại hai địa chỉ: http://vst.mof.gov.vn và http://kbnn.botaichinh.gov.vn với 3 dịch vụ công trực tuyến được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với KBNN; Giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán; Đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN.
Theo ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN, dịch vụ công trực tuyến chính là một bước đi quan trọng góp phần vào việc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, bởi dịch vụ công đã tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại cho các đơn vị, giảm chi phí hoạt động. Đặc biệt, sử dụng dịch vụ công điện tử đã chống được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị (được xem như là một trong những nguyên nhân dẫn đến chiếm đoạt tiền vốn của ngân sách nhà nước - NSNN). Do đó, thay cho việc ký trên chứng từ giấy thì kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách phải ký duyệt bằng chữ ký số. Thông tin thanh toán cũng được nhanh chóng và bảo mật.
Về phía các đơn vị KBNN, dịch vụ công điện tử góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi theo hướng hồ sơ, chứng từ của đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện kiểm soát chi qua KBNN sẽ được gửi trên dịch vụ công điện tử, từ đó giao diện vào hệ thống Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) bảo đảm minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát. Qua ứng dụng này, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua báo cáo thống kê trên dịch vụ công điện tử, từ đó, tăng tính trách nhiệm của công chức làm công tác kiểm soát trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đây chính là bước đi đầu tiên tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử.
Đại diện KBNN chia sẻ, đến nay, về cơ bản, hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã hoạt động thông suốt, đảm bảo tính pháp lý, an toàn, quy định chi tiết cho từng dịch vụ. Thủ tục đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN; thủ tục giao, nhận và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi, kê khai yêu cầu thanh toán dễ dàng cho các đơn vị tham gia. Các đơn vị sử dụng ngân sách đã truyền được chứng từ sang KBNN, KBNN đã thực hiện hoàn thiện chứng từ trên dịch vụ công trực tuyến, giao diện thành công vào hệ thống Tabmis và trả báo nợ cho đơn vị theo đúng quy định. Đặc biệt, các hồ sơ, chứng từ đơn giản như chi thường xuyên áp dụng trên dịch vụ công trực tuyến được xử lý rất thuận tiện do đơn vị chỉ thực hiện giao nhận hồ sơ và thực hiện thanh toán qua dịch vụ công, không phải đến KBNN.
"Do làm tốt khâu tuyên truyền và tập huấn kỹ về quy trình nghiệp vụ nên trong quá trình thí điểm, KBNN đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng giao dịch cũng như sự ủng hộ và phối hợp rất tốt từ phía các đơn vị tham gia thí điểm. Đồng thời, các công chức KBNN đã quen với việc triển khai các chương trình ứng dụng có độ phức tạp cao nên khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến cũng không bị bỡ ngỡ, các thao tác và xử lý trên chương trình khá thuần thục", ông Hiệp cho hay.
Mở rộng trên toàn quốc vào quý III/2017
Hiện dịch vụ công trực tuyến vẫn đang trong quá trình thí điểm nên không tránh khỏi các khó khăn, vướng mắc. Ông Vũ Đức Hiệp chia sẻ, để thực hiện chương trình này, các đơn vị sử dụng ngân sách phải được cấp chứng thư số đối với các chức danh: Chủ tài khoản, kế toán trưởng, ủy quyền chủ tài khoản, ủy quyền kế toán trưởng. Tuy nhiên, việc cấp chứng thư số bị chậm là do phải thực hiện qua nhiều bước như: Các đơn vị phải gửi công văn đến đơn vị chủ quản; đơn vị chủ quản tập hợp lại danh sách để đăng ký xin cấp chữ ký số với Ban Cơ yếu Chính phủ.
Từ phản ánh của các đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ngày 21/11/2016, Chính phủ đã có những quy định sửa đổi thông qua việc mở rộng kênh cấp chứng thư số. Theo đó, ngoài chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ, các đơn vị có thể lựa chọn đăng ký chứng thư số bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; chứng thư số nước ngoài được công nhận; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam; chứng thư số nước ngoài được chấp nhận trong giao dịch quốc tế.
Theo kế hoạch và lộ trình đã đề ra, dự kiến dịch vụ công trực tuyến được triển khai mở rộng trên toàn quốc vào quý III/2017. Theo lãnh đạo KBNN, ngoài việc khắc phục những vướng mắc phát sinh trong giai đoạn thí điểm, KBNN tiếp tục thực hiện tuyên truyền cho các đơn vị hiểu lợi ích về dịch vụ công và chuẩn bị các điều kiện tham gia dịch vụ công cũng như kế hoạch đăng ký chứng thư số để đảm bảo thời gian tham gia triển khai diện rộng.
KBNN cũng sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị các cơ quan chức năng để nghiên cứu, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hơn nữa các hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi NSNN, nhất là những hồ sơ pháp lý về dự án đầu tư phải gửi đến KBNN. Đồng thời, KBNN sẽ trình Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm, hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng chung tay phối hợp với KBNN để thực hiện thành công dịch vụ công, đẩy nhanh việc đăng ký để được cấp chứng thư số.
Bên cạnh đó, hệ thống KBNN cũng đang nâng cấp chương trình để phù hợp với quy trình nghiệp vụ hơn, nhằm hạn chế các sai sót và giảm thiểu các bước trung gian trong quá trình sử dụng. Song song với đó, sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ cũng như xây dựng phương án hỗ trợ, vận hành, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trước khi triển khai diện rộng cho hệ thống KBNN và các đơn vị (có đủ điều kiện tham gia) tại các tỉnh, thành phố và các quận, thị xã trên toàn quốc.