Hải quan đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị định về phòng chống ma túy
Nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy đã được Bộ Công an - cơ quan soạn thảo tiếp thu.
Bổ sung quy định về lực lượng chuyên trách
Theo Phòng Kiểm soát ma túy (Phòng 6, Cục Điều tra chống buôn lậu), các nội dung quan trọng đã được Cục Điều tra chống buôn lậu góp ý và cơ quan soạn thảo tiếp thu như:
Tại khoản 4, Điều 4, quy định: “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Hải quan bao gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy là đơn vị trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố”.
Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị sửa thành: “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Hải quan bao gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy; Đội Kiểm soát Hải quan (tại các cục hải quan chưa thành lập Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy) trực thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; Tổ Kiểm soát ma túy thuộc một số chi cục hải quan cửa khẩu”.
Đại diện Phòng 6 cho biết, lý do đưa ra kiến nghị trên bởi, Quyết định số 4295/QĐ-TCHQ ngày 12/12/2016 của Tổng cục Hải quan quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy trực thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố quy định: Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy là đơn vị trực thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố có chức năng trực tiếp tổ chức đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy và tiền chất qua biên giới trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan do Cục Hải quan quản lý.
Đối với các cục hải quan chưa thành lập Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy thì Đội Kiểm soát Hải quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy tại quy định này.
Hiện nay, ngành Hải quan đang có 12/35 Cục Hải quan có Đội kiểm soát ma túy, còn lại là các Đội Kiểm soát Hải quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu hàng hóa và ma túy, tiền chất.
Đề nghị sửa nhiều nội dung liên quan đến tiền chất
Các nội dung kiến nghị sửa đổi đáng chú ý khác như: tại điểm a, khoản 1, Điều 13, đề nghị điều chỉnh, quy định: cơ quan chuyên trách thuộc Công an chủ trì công tác giao ban.
Điều 19, đề nghị sửa đổi lại thành: “Kiểm soát hoạt động bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất”.
Tại Khoản 5 Điều 21, đề nghị sửa thành: “Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được cấp cho từng lần nhập khẩu, xuất khẩu (trừ các tiền chất công nghiệp nhóm 2 theo phân loại của Bộ Công Thương) và có giá trị trong thời hạn ghi trong giấy phép. Trường hợp hết thời hạn ghi trong giấy phép nhưng việc nhập khẩu, xuất khẩu chưa thực hiện được thì cơ quan cấp giấy phép có thể gia hạn thêm. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được gửi cho cơ quan, tổ chức xin phép nhập khẩu, xuất khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính (đầu mối là Tổng cục Hải quan), Bộ Công an để theo dõi, quản lý”.
Khoản 6, Điều 21, đề nghị sửa thành: “Việc cấp phép nếu chưa được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia: Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ khi cấp phép, cơ quan cấp phép có trách nhiệm gửi giấy phép nhập khẩu tới cơ quan, tổ chức xin phép nhập khẩu, xuất khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính (đầu mối là Tổng cục Hải quan), Bộ Công an để theo dõi, quản lý…”.
Đồng thời Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị bỏ từ “cửa khẩu” trong các cụm từ “Hải quan cửa khẩu” nêu tại Khoản 7, Điều 21; Điểm b, Khoản 1, Điều 25; Khoản 2, Điều 26; Điểm đ, Khoản 3, Điều 39.
Khoản 2 Điều 26 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân và Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi hàng nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ khi hoàn thành phải báo cáo kết quả về cơ quan cấp phép và Bộ Công an để theo dõi”.
Tuy nhiên, tại một số Chi cục Hải quan, lưu lượng hàng hóa nói chung và hàng hóa là tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nói riêng cần thực hiện thủ tục hải quan là rất lớn. Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn nhân lực của lực lượng Hải quan đảm bảo công tác trên còn hạn chế và phải thực hiện nhiều loại báo cáo liên quan đến nghiệp vụ hải quan như báo cáo kim ngạch xuất nhập khẩu, thuế…
Do đó, quy định về việc “Chi cục hải quan cửa khẩu nơi hàng nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh trong thời hạn chậm nhất là 10 ngày làm việc…” là không khả thi, khó đảm bảo thực hiện.
Vì vậy, Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị đưa nội dung báo cáo trên vào báo cáo định kỳ hàng tháng, tính từ ngày 15 tháng trước đến ngày 14 của tháng thuộc kỳ báo cáo.
Đối với điểm c, Điều 57, đề nghị sửa thành: Chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa là tiền chất, thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan soạn thảo cũng tiếp thu ý kiến đề xuất của Cục Điều tra chống buôn lậu về việc Bộ Công an chia sẻ thông tin với Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) về thông báo tiền xuất khẩu đối với hoạt động xuất khẩu tiền chất từ Việt Nam ra nước ngoài (áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sang các nước tham gia Điều 12 Công ước năm 1988 của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần) tại điểm b, khoản 2, Điều 35.