Hội nghị AFMGM-12: Tái khẳng định cam kết tăng cường khả năng phục hồi tài chính trong ASEAN
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 (AFMGM 12) đã khẳng định quyết tâm của các nước ASEAN trong việc tăng cường khả năng phục hồi tài chính và thúc đẩy hội nhập tài chính nội khối.

Sau chuỗi hội nghị và các phiên họp kín từ ngày 7 đến 10/4/2025 tại Kuala Lumpur, Malaysia, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 12 đã chính thức thông qua Tuyên bố chung, bao quát toàn diện các nội dung then chốt về kinh tế, tài chính, thuế, ngân hàng, đổi mới sáng tạo, hội nhập khu vực và tăng cường hợp tác toàn cầu.
Triển vọng kinh tế và những thách thức
Hội nghị ghi nhận hiệu suất kinh tế của ASEAN tiếp tục được duy trì nhờ nhu cầu nội địa mạnh, hoạt động đầu tư ổn định, xuất khẩu khả quan và thị trường lao động thuận lợi, trong khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, AFMGM 12 cũng bày tỏ lo ngại về các rủi ro bên ngoài, đặc biệt là chính sách thuế mới của Hoa Kỳ và những hệ lụy đối với thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh nền kinh tế các nước ASEAN có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, những yếu tố như tăng trưởng toàn cầu chậm lại, dòng đầu tư suy giảm và nguy cơ trả đũa thương mại có thể làm gia tăng biến động thị trường tài chính và tỷ giá hối đoái. ASEAN khẳng định đang theo sát tình hình và sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.
Các Bộ trưởng và Thống đốc cũng tái khẳng định cam kết về hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN và hợp tác xây dựng với các đối tác như Hoa Kỳ nhằm đạt được một nền kinh tế toàn cầu bền vững, có khả năng phục hồi.
Thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm
AFMGM 12 hoan nghênh chủ đề Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia là “Tính bao trùm và tính bền vững” và thông qua 3 Mục tiêu Kinh tế Ưu tiên (PED): tăng khả năng tiếp cận tài chính cho quá trình chuyển đổi công bằng và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển thị trường vốn bền vững, kết nối và bao trùm hơn; và thúc đẩy kết nối thanh toán tức thời.
Hội nghị đánh giá cao nỗ lực của Malaysia trong việc huy động tài chính cho Lưới điện ASEAN (APG) và đề xuất các cơ chế tài chính phù hợp, bao gồm cả tài chính Hồi giáo, để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân.
AFMGM 12 ủng hộ các sáng kiến của Malaysia nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thông qua việc phát hành Sổ tay chuỗi giá trị xanh hóa ASEAN và ra mắt Hướng dẫn công bố Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) đơn giản hóa của ASEAN (ASEAN SEDG) Phiên bản 1 dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng.
Tuyên bố chung cũng hoan nghênh các sáng kiến của Malaysia nhằm thúc đẩy hơn nữa kết nối thanh toán trong khu vực bằng lộ trình nhiều năm đã được thông qua, bao gồm các kế hoạch hành động tập trung để hỗ trợ hành trình kết nối thanh toán của ASEAN và đặt ra các mục tiêu định lượng cho việc áp dụng và sử dụng các liên kết thanh toán xuyên biên giới nhằm đạt được vào năm 2025.

Tăng cường vai trò ASEAN trong hợp tác khu vực và toàn cầu
Tuyên bố chung AFMGM 12 tái khẳng định cam kết của mình đối với sự ổn định tài chính và tăng cường hội nhập khu vực. AFMGM 12 khen ngợi các ủy ban công tác về những thành tựu và tiến bộ trong tự do hóa dịch vụ tài chính, hội nhập ngân hàng, hòa nhập tài chính, phát triển thị trường vốn, tự do hóa tài khoản vốn và kết nối thanh toán xuyên biên giới phù hợp với Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) 2025.
AFMGM 12 cũng mong muốn tái lập Thỏa thuận hoán đổi ASEAN (ASA), điều này sẽ rất quan trọng trong việc tăng cường mạng lưới an toàn tài chính và khả năng phục hồi của khu vực. Khuyến khích sự hợp tác hơn nữa để mở rộng khả năng tiếp cận tài chính và tăng cường quản lý thanh khoản nhằm hỗ trợ thương mại và đầu tư nội khối ASEAN…
AFMGM 12 hoan nghênh việc xây dựng Kế hoạch hành động Diễn đàn thị trường vốn ASEAN (ACMF) 2026 - 2030. Kế hoạch hành động này nhằm mục đích xây dựng một ACMF và ASEAN bền vững và kiên cường hơn, thúc đẩy tính bao trùm và trao quyền tài chính, tăng cường hội nhập khu vực và định vị toàn cầu, và thúc đẩy số hóa.
AFMGM 12 tán thành việc thành lập Ủy ban công tác liên ngành ASEAN (ACS-WC) để giám sát các nhóm công tác liên ngành về tài trợ rủi ro thiên tai và y tế, cũng như đánh giá sáng kiến mới được đề xuất về an ninh lương thực, phù hợp với khuôn khổ đánh giá để thành lập và chấm dứt các nhóm công tác liên ngành. Đồng thời, hoan nghênh các sáng kiến của Ủy ban Điều phối liên ngành ASEAN về tài trợ và bảo hiểm rủi ro thiên tai (ACSCC DRFI).
Thúc đẩy hợp tác về thương mại, hải quan, thuế và kho bạc
Tuyên bố chung ghi nhận tiến độ hội nhập hải quan thông qua số hóa và tự động hóa, cùng với việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và các thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Về thuế, hội nghị đánh giá cao nỗ lực hoàn thiện các hiệp định song phương và thúc đẩy minh bạch thuế, trong đó có đề xuất Mã số định danh thuế (TIN) của Malaysia.
Hội nghị cũng hoan nghênh phiên họp đầu tiên của Diễn đàn Kho bạc ASEAN (ATF) và việc thành lập bốn nhóm công tác trọng tâm nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt nhất về quản lý tài chính công.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo số và tài chính kỹ thuật số
AFMGM 12 ghi nhận 21 liên kết thanh toán xuyên biên giới hiện đang hoạt động trong ASEAN và với các đối tác như Nhật Bản, Ấn Độ, Hồng Kông, cũng như tiến bộ của Dự án Nexus - với tổ chức Nexus Global Payment chính thức được thành lập tại Singapore. ASEAN cam kết tăng cường an ninh mạng, giám sát giao dịch và chống tội phạm tài chính trong khu vực.
Tuyên bố kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực tư nhân vào các sáng kiến thanh toán kỹ thuật số, nhằm thúc đẩy bao trùm tài chính trên toàn ASEAN.
Tăng quy mô tài chính bền vững cho chuyển đổi công bằng và hiệu quả
Hội nghị tán thành Kế hoạch hành động của Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF) giai đoạn 2025-2028, với tính chất là một “văn bản sống” linh hoạt thích ứng với thay đổi ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Tuyên bố chung ghi nhận tiến độ của Phiên bản 3 và 4 của Hệ thống phân loại tài chính bền vững ASEAN, Hướng dẫn đầu tư bền vững ASEAN (ASIG), và thảo luận về Khung tài chính cho Lưới điện ASEAN (APGFF) do Ngân hàng Thế giới và ADB đề xuất.
AFMGM 12 cũng đánh giá cao các cuộc trao đổi với ASEAN BAC, EU-ABC và US-ABC, khẳng định vai trò thiết yếu của khu vực tư nhân trong quá trình hội nhập tài chính ASEAN.
Hội nghị AFMGM 12 khép lại với thông báo: Philippines sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch AFMGM 13 vào năm 2026, đồng thời bắt đầu triển khai Kế hoạch chiến lược AEC 2026-2030 - giai đoạn đầu tiên hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045./.