Kho bạc Nhà nước: Giảm thiểu số dư tạm ứng với dự án đầu tư xây dựng cơ bản

Theo vst.mof.gov.vn

Trong thời gian vừa qua, số dư tạm ứng vốn đầu tư tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước (KBNN) còn khá lớn, kéo dài qua nhiều năm, khó thu hồi do nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn đến việc theo dõi, quản lý của hệ thống KBNN gặp khó khăn. Để tháo gỡ vấn đề này, KBNN đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực nhằm giảm thiểu số dư tạm ứng theo chế độ quy định đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) tại hệ thống KBNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB, theo tổng hợp của các đơn vị KBNN, số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến ngày 31/1/2015 chưa thu hồi còn khá cao (số dư tạm ứng vốn ĐTXDCB theo chế độ quy định thuộc kế hoạch vốn đầu tư từ năm 2014 trở về trước - không bao gồm vốn tạm ứng thuộc kế hoạch vốn ứng trước năm sau). Bên cạnh các Bộ, Ngành, địa phương đã có các biện pháp tích cực đôn đốc các chủ đầu tư thu hồi số vốn đã tạm ứng vẫn còn một số Bộ, Ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc thu hồi vốn đã tạm ứng cho các dự án đầu tư, cũng như giải quyết dứt điểm tồn đọng trong công tác GPMB đối với các địa phương có dự án đầu tư.

Theo đánh giá của KBNN, thực trạng trên có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: sự thay đổi bộ máy hành chính quản lý nhà nước, tách, sáp nhập các bộ, địa phương quản lý - cơ quan cấp trên của chủ đầu tư; cơ chế tạm ứng vốn đầu tư XDCB trong từng thời kỳ quy định khác nhau; việc sử dụng vốn tạm ứng cho công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng của một số tổ chức chưa rõ ràng; cơ chế thu hồi tạm ứng không quy định mức thu hồi tạm ứng từng lần, mà chỉ qui định thu hồi tạm ứng từ lần thanh toán đầu tiên và thu hồi hết khi khối lượng thực hiện đạt 80% giá trị hợp đồng làm cho số dư tạm ứng tại KBNN khá lớn và luôn trong tình trạng kéo dài qua nhiều năm; đầu tư dàn trải nhiều, không tập trung, thời gian thực hiện dự án dài do nhiều nguyên nhân; trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác kiểm tra giám sát chưa cao; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh...

Từ thực tế nêu trên, trong những năm vừa qua, Hệ thống KBNN đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm số dư tạm ứng vốn đầu tư tại hệ thống KBNN; chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý tồn đọng trong tất toán tài khoản cấp phát, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản; chỉ đạo KBNN các cấp chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, đôn đốc chủ đầu tư để hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc, đăng ký chỉ tiêu thi đua với KBNN để giảm số dư tạm ứng tại từng KBNN địa phương,... Với việc triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp của hệ thống KBNN, số dư tạm ứng thuộc kế hoạch năm 2014 trở về trước tại các đơn vị KBNN đã giảm đi đáng kể.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, KBNN đã đề xuất với Bộ Tài chính các biện pháp để giảm thiểu số dư tạm ứng vốn theo chế độ qui định, trong đó có giải pháp thực hiện phân loại các khoản dư tạm ứng vốn đầu tư theo các nhóm để có biện pháp xử lý. KBNN phân loại các dự án đầu tư còn số dư tạm ứng vốn chưa được thanh toán để thu hồi thành 5 nhóm chính và đưa ra hướng xử lý đối với từng nhóm cụ thể.

Bên cạnh đó, KBNN cũng đề xuất chế tài phạt đối với các Ban quản lý dự án, nhà thầu và các đơn vị KBNN nếu còn để tồn đọng số dư tạm ứng kéo dài; đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế khen thưởng đối với các Ban quản lý dự án, các nhà thầu xây dựng không có số dư tạm ứng quá hạn, KBNN tỉnh, thành phố đạt kết quả tốt trong đôn đốc thu hồi các khoản tạm ứng đã quá hạn nhất là các khoản tạm ứng quá thời hạn, kéo dài qua nhiều năm.

Hiện nay, KBNN đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan báo cáo Bộ Tài chính, trình Chính phủ phê duyệt để sớm tổ chức triển khai thực hiện.