Kinh tế tuần hoàn - Chìa khóa phát triển bền vững

Huy An

Việc các nền kinh tế lớn trên thế giới chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) và đạt được những thành tựu ấn tượng chính là kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam. Với xu hướng phát triển bền vững, KTTH là mục tiêu Việt Nam cần hướng đến.

Cần giải pháp đồng bộ để tạo sức sống cho kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.
Cần giải pháp đồng bộ để tạo sức sống cho kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững.

Yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn

Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) là xu hướng tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới.

Nguồn nguyên liệu thô đang ngày càng cạn kiệt đặc biệt là đối với nguồn tài nguyên không thể tái tạo, từ đó tạo ra sự phụ thuộc vào các nước khác về nguyên liệu thô dẫn đến những căng thẳng, xung đột về kinh tế, chính trị giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, việc phát thải khí nhà kính, đặc biệt là CO2 làm gia tăng quá trình biến đối khí hậu đã gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống và mọi lĩnh vực liên quan.

Dẫn chứng cụ thể hơn, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh cho biết, châu Âu là khu vực nhập khẩu khoảng 40% nguồn tài nguyên sử dụng từ bên ngoài. Phát triển KTTH giúp các nước thuộc khu vực châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên nhâp khẩu. Đồng thời, giảm áp lực môi trường khi yếu tố bảo vệ môi trường được đưa lên hàng đầu trong phát triển kinh tế.

Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch hành động của Liên minh châu Âu (EU) đối với nền KTTH vào tháng 12/2015. Chiến lược này nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền KTTH ở châu Âu. Việc hướng tới một nền KTTH ở châu Âu sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tạo ra việc làm mới và hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Mục tiêu của Chiến lược này nhằm đảm bảo khuôn khổ pháp lý phù hợp áp dụng cho sự phát triển của KTTH, đưa ra các định hướng cho các nhà điều hành kinh tế - xã hội nói chung hướng tới các mục tiêu giảm thiêu chất thải trong dài hạn.

Theo Ủy ban châu Âu (2015), các đề xuất về chất thải sẽ thiết lập một tầm nhìn dài hạn nhằm tăng cường tái chế và giảm chôn lấp, đồng thời đề xuất các biện pháp cải thiện quản lý chất thải có tính đến các tình huống khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Chỉ thị khung về chất thải cũng đã được Ủy ban châu Âu ban hành như Hệ thống phân cấp về chất thải của EU theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho yếu tố tuần hoàn khi phát triển KTTH.

Trung Quốc là một trong các quốc gia điển hình về triển khai KTTH. Theo đó, nước này triển khai KTTH bằng cách lồng ghép vào các kế hoạch của Chính phủ với ưu tiên tập trung ở cấp độ tỉnh.

Điểm ưu việt, Trung Quốc triển khai KTTH trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế với hệ thống ba cấp độ: vĩ mô (tỉnh, thành phố và huyện); trung gian (khu vực cộng sinh) và vi mô (các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh).

Với ba cấp độ này, KTTH ở Trung Quốc được xây dựng theo lộ trình cụ thể, từ xác định mục tiêu phát triển và thông qua các quy định pháp luật đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Kinh tế tuần hoàn - Chìa khóa phát triển bền vững của Việt Nam

Theo Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường Nguyễn Thế Chinh, việc các nền kinh tế lớn trên thế giới chuyển đổi sang mô hình KTTH và đạt được những thành tựu ấn tượng chính là kinh nghiệm quý giá cho Việt Nam.

Với xu hướng phát triển bền vững, phát triển xanh, KTTH là mục tiêu cần hướng đến và việc ra các chính sách phù hợp từ phía Chính phủ là rất quan trọng.

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, ông Nguyễn Thế Chinh cho rằng, nước ta cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh mẽ các mô hình KTTH; chú trọng tới hiệu quả đầu tư và phát triển KTTH; đẩy mạnh trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong phát triển KTTH.

Bên cạnh đó, cần đầu tư cho khoa học công nghệ, vì đây là yếu tố cốt lõi cho sự thành công khi phát triển KTTH. Việc phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là tập trung vào năng lực về công nghệ của các doanh nghiệp, kỹ năng của nguồn nhân lực sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang KTTH.

Đồng thời, nên có sự lựa chọn các ngành, lĩnh vực phù hợp để ưu tiên phát triển khi áp dụng mô hình KTTH, từ đó tạo động lực cho các ngành, các lĩnh vực khác cùng phát triển tạo nên sự thành công chung trong phát triển KTTH tại Việt Nam.

Ngoài các vấn đề cốt lỗi trên, theo ông Nguyễn Thế Chinh, để giải quyết yêu cầu về sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang KTTH là điều tất yếu và là cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.