Kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên phát triển

Minh Thư

Điện Biên là tỉnh miền núi, dân số sinh sống chủ yếu ở khu vực nông thôn với hoạt động sản xuất là nông, lâm nghiệp và thủy sản. Quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá hiện hành đạt 6.961,99 tỷ đồng, tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2024, kinh tế- xã hội của tỉnh ổn định.

Phiên chợ vùng cao - nét văn hóa hút khách quốc tế tới Điện Biên
Phiên chợ vùng cao - nét văn hóa hút khách quốc tế tới Điện Biên

Quý I/2025 với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết tâm của các Sở, ban, ngành tỉnh; sự cố gắng, vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, GRDP trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo giá hiện hành đạt 6.961,99 tỷ đồng, tăng 13,02% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 638,76 tỷ đồng, tăng 10,21%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 1.339,58 tỷ đồng, tăng 9,84%; khu vực dịch vụ đạt 4.461,59 tỷ đồng, tăng 14,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 342,06 tỷ đồng, tăng 10,09%.

Cơ cấu nền kinh tế quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 9,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,24%; khu vực dịch vụ chiếm 66,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,91%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp quý I/2025 có mức tăng trưởng cao nhất giai đoạn 5 năm. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 8,39% so với cùng kỳ năm 2024.Trong đó, ngành khai khoáng tăng 17,42%; ngành chế biến, chế tạo tăng 7,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,05%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,31%.

Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất quý I/2025 tăng khá so với cùng kỳ năm 2024 như: Sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 49,38%; sản xuất phân phối điện tăng 13,05%; dệt tăng 12%; sản xuất đồ uống tăng 11,96%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 8,87...

Một số sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong quý I/2025 tăng so với cùng kỳ năm 2024 như: Than đá đạt 1.899,71 tấn; đá xây dựng tăng 15,47%; báo in tăng 7,18%; sản phẩm in khác tăng 20,74%; bàn bằng gỗ các loại tăng 6,52%; điện sản xuất tăng 13,16%; điện thương phẩm tăng 12,36%

Tốc độ tăng /giảm chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I qua các năm 2021 – 2025 so với cùng kỳ năm trước (%)
Tốc độ tăng /giảm chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I qua các năm 2021 – 2025 so với cùng kỳ năm trước (%)

.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 3 năm 2025 rất sôi động, trong tháng với sự kiện Khai mạc Lễ hội Hoa Ban năm 2025 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc... đã thu hút đồng đảo lượng khách du lịch đến với Điện Biên. Tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.851,35 tỷ đồng, tăng 17,97% so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 355,69 tỷ đồng, tăng 39,50% so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu một số ngành dịch vụ khác đạt 884,75 tỷ đồng, tăng 13,92% so với cùng kỳ năm 2024.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2025 so với cùng kỳ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2025 so với cùng kỳ

Tổng chi ngân sách Nhà nước lũy kế quý I/2025 đạt 4.187,68 tỷ đồng, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 1.431,474 tỷ đồng (chiếm 34,18%); chi thường xuyên đạt 2.753,09 tỷ đồng (chiếm 65,74%),

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên quý I/2025 ước tính 351.283 người, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động ở khu vực thành thị có 53.891 người (chiếm 15,34%) và khu vực nông thôn 297.392 người (chiếm 84,66%).. Quý I/2025 có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nhiều sự lựa chọn cho người lao động. Trong quý, toàn tỉnh có khoảng 2.606 lao động được tạo việc làm mới, tăng 3,78% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 28,33% kế hoạch. Đời sống các tầng lớp dân cư trong quý I/2025 ổn định và tiếp tục phát triển. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đánh dấu những bước tiến quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 25 xã cơ bản đạt chuẩn, với số tiêu chí bình quân đạt 14,3 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng ghi nhận 179 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Cơ cấu lao động chia theo thành thị, nông thôn quý I/2025
Cơ cấu lao động chia theo thành thị, nông thôn quý I/2025

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 trên 10,5%, góp phần cùng cả nước đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế trong thời gian tới, Điện Biên cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:

Tiếp tục sử dụng linh hoạt các nguồn vốn hợp pháp để rà soát, lập bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tại các đô thị trên địa bàn gắn với việc kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ thể thao từ các thành phần kinh tế. Thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng đúng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.

Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng; mở rộng diện tích, phát triển cây ăn quả, cây ngắn ngày và các cây trồng có lợi thế như: macca, cao su, cà phê, chè, quế, sa nhân,...

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa các loại cây, con giống có thời gian sinh trưởng ngắn và có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Bảo tồn, phát triển các giống vật nuôi bản địa, nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung vào lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng.

Tăng cường quản lý thị trường giá cả. Chủ động ứng phó trước những biến động của thị trường. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng nông sản. Mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế của tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường. Tập trung phát triển, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của tỉnh./.