Kịp thời hỗ trợ lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Số doanh nghiệp phá sản, tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc làm của nhiều người lao động. Trong bối cảnh này, cùng với các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp được coi là phao cứu sinh của người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thất nghiệp gia tăng

Cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN); hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp; lao động làm trong các DN thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 triệu lao động.

Việc làm của người lao động đang gặp nhiều khó khăn
Việc làm của người lao động đang gặp nhiều khó khăn
 

Tuy nhiên, do dịch Covid-19, thống kê của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, tháng 2/2020, có khoảng 10% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, trong đó, riêng 2 tuần đầu tháng 3, khi dịch diễn biến phức tạp, trên 15% DN cắt giảm quy mô sản xuất. Sản xuất bị đình trệ, đã lập tức ảnh hưởng mạnh đến việc làm của người lao động (NLĐ). Theo đó, tháng 2/2020 đã có 47.164 người nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp, tăng 59,2% so với tháng 1/2020 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số ngành nghề giảm quy mô sản xuất tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động đang làm việc; tiếp đó là các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải, với gần 500.000 lao động đang làm việc; DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống có trên 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hàng chục ngàn hộ sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh, chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc. Tính trung bình mỗi hộ thuê 2 lao động thì một số lượng lớn lao động với vài chục ngàn người đã không có việc làm. Những lao động này hầu như không hợp đồng lao động hoặc được hưởng bất kỳ chế độ gì khi mất việc.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, Bộ LĐ-TB&XH đã kịp thời thực hiện đề án với 6 nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ cho DN và NLĐ. Trong đó, đề xuất tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất; miễn đóng hoàn toàn BH thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020; sử dụng kết dư của quỹ BH thất nghiệp cho việc đào tạo, cho giữ chân NLĐ; đề xuất nhà nước hỗ trợ cho vay nhưng không tính lãi, khi DN ổn định trở lại thì có trách nhiệm trả lại số tiền này; đề xuất có chính sách tín dụng với NLĐ, DN vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã...; tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các DN theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn.

Cùng với Bộ LĐTB&XH, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 1/4 đã trình Chính phủ Dự thảo về gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả Covid-19 trị giá hơn 61.500 tỷ đồng. Trong đó, đề xuất, từ tháng 4 - 6/2020, NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có hợp đồng lao động mất việc làm sẽ được nhận mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng; người sử dụng lao động sẽ được nhận hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho NLĐ, thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng với mức hỗ trợ tối đa là 1triệu đồng/tháng/người.

Sớm rà soát và chi trả trợ cấp thất nghiệp

Nhận định về tình hình hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, do tác động của dịch Covid-19, một số DN phải đóng cửa, hoặc tạm dừng hoạt động dẫn đến thất nghiệp hoặc thất nghiệp tạm thời, chính vì vậy cần rà soát, thống kê và kịp thời chi trả BH thất nghiệp cho NLĐ bị thất nghiệp để họ có thể bảo đảm được cuộc sống.

Số người đăng ký BH thất nghiệp tăng mạnh
Số người đăng ký BH thất nghiệp tăng mạnh
 

Đối với các DN hiện đang phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, do không xuất khẩu được hàng hóa, theo ông Lợi, có thể tranh thủ thời gian này tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho NLĐ. “Có thể dùng một phần Quỹ BH thất nghiệp để hỗ trợ DN thực hiện việc này. Với khoảng 70.000 tỷ đồng kết dư của Quỹ BH thất nghiệp hiện nay, có thể vận dụng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và NLĐ”- ông Lợi đề xuất.

Theo quy định của Luật Việc làm, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, NLĐ thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BH thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa); thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian tham gia BH thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Đồng thời, NLĐ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/ người/tháng.

Đối với đơn vị sử dụng lao động do dịch bệnh mà buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh thì được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể đối với NLĐ và đơn vị sử dụng lao động trên được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.

BHXH Việt Nam cho biết, trong quý I/2020, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp ước trên 378.000 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019 (346.582 người) với số tiền được chi trả ước 2.119 tỷ đồng. Số người được chi trả hỗ trợ học nghề ước 8.160 người, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019 (7.409 người) với số tiền chi trả khoảng 18 tỷ đồng.