Nhiều giải pháp thu hồi nợ thuế
Từ đầu tháng 11 đến nay, Tổng cục Thuế liên tiếp ban hành các công văn tới cục thuế địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp đôn đốc, xử lý thu hồi nợ thuế, phấn đấu không để phát sinh nợ thuế mới.
Đồng thời thu vào ngân sách nhà nước toàn bộ số nợ có khả năng thu đến thời điểm 30/9/2016 là 32.239 tỷ đồng.
Thu hồi 31.785 tỷ đồng tiền nợ thuế
Mục tiêu của ngành Thuế từ nay đến cuối năm phải đảm bảo số nợ đến ngày 31/12/2016 không quá 5% tổng thu; đôn đốc thu hồi nợ thuế đạt tối thiểu 97% số nợ thuế trên, dưới 90 ngày năm 2015 chuyển sang. Khối 13 địa phương điều tiết ngân sách trung ương gồm: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh phải thu hồi nợ đạt 19.500 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến ngày 30/9/2016, tổng số tiền nợ thuế của cả nước ước là 74.140 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) là 32.239 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43,5% tổng số tiền nợ thuế (nợ thuế, phí là 21.382 tỷ đồng; nợ liên quan về đất là 10.856 tỷ đồng). Các khoản phạt và tiền chậm nộp là 26.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,3% tổng số tiền thuế nợ. Tiền nợ thuế không có khả năng thu là 14.970 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 20,2% tổng số tiền nợ thuế.
Đến ngày 30/9 các cục thuế đã đôn đốc thu hồi nợ được 31.785 tỷ đồng tiền nợ thuế của năm 2015 chuyển sang, đạt 60% chỉ tiêu thu nợ năm 2016 (nếu loại trừ tiền chậm nộp thì thu đạt 87%).
Qua quá trình triển khai các giải pháp quản lý nợ thuế, Tổng cục Thuế đã rà soát, thông báo danh sách doanh nghiệp (DN) nợ thuế trên 50 triệu đồng của 13 cục thuế có số thu điều tiết về ngân sách trung ương và danh sách DN nợ thuế từ 3 tỷ đồng trở lên đối với 50 cục thuế còn lại, để các đơn vị thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ và công khai thông tin.
Kết quả rà soát, có 34.779 DN với tổng số tiền nợ thuế là 39.555 tỷ đồng. Trong đó, 13 tỉnh, thành phố điều tiết ngân sách trung ương 34.141 DN với tổng số tiền nợ thuế là 32.248 tỷ đồng. 50 tỉnh còn lại có 638 DN với tổng số tiền thuế nợ là 7.306 tỷ đồng. Tính đến ngày 18/10 các cục thuế đã đôn đốc cưỡng chế thu được 3.894 tỷ đồng. Có 36 DN đã nộp hết tiền nợ thuế 403 tỷ đồng.
Tổng rà soát và ban hành đầy đủ thông báo nợ thuế
Trong thời gian còn lại của năm 2016, nhằm đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra trong công tác quản lý nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế, Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Thuế ban hành công văn yêu cầu các cục thuế địa phương thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước.
Trong đó, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế địa phương thực hiện rà soát lại và tính tiền chậm nộp, ban hành đầy đủ, đúng hạn thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và chậm nộp, bao gồm tất cả các khoản nợ thuế, phí và các khoản nợ liên quan đến đất gửi người nộp thuế.
Riêng đối với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, phải thực hiện ban hành ngay thông báo đối với 844 trường hợp đã hết nợ tại thời điểm 30/9/2014 nhưng tính thiếu tiền chậm nộp là 19,5 tỷ đồng (theo số liệu cục thuế đã xác nhận với Đoàn Thanh tra Chính phủ).
Về việc theo dõi các khoản nợ liên quan đến đất, các cục thuế thực hiện rà soát các khoản nợ liên quan đến đất, đưa vào quản lý, theo dõi và tính tiền chậm nộp đầy đủ tại ứng dụng quản lý thuế tập trung. Riêng đối với 144 đơn vị của 24 cục thuế do Thanh tra Chính phủ phát hiện tính thiếu tiền chậm nộp sử dụng đất, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế thực hiện rà soát, tính tiền chậm nộp tiền sử dụng đất và thông báo cho người nộp thuế biết để thực hiện nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước.
Công khai doanh nghiệp nợ thuế
Tổng cục Thuế tiếp tục yêu cầu cục thuế các địa phương thực hiện ngay việc thông báo danh sách nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng để đôn đốc và cưỡng chế.
Đồng thời, yêu cầu các cục thuế căn cứ vào danh sách DN nợ thuế đã được công bố tại thời điểm 30/9/2016, để tổ chức rà soát, đối chiếu xác định chính xác số tiền nợ thuế của từng DN để áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ. Trong trường hợp nếu cơ quan Thuế phát hiện có nợ sai, nợ ảo thì xử lý điều chỉnh kịp thời.
Nếu DN có yêu cầu hoặc phản ánh việc thông báo tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp, cưỡng chế nợ thuế của cơ quan Thuế không đúng với sổ sách kế toán của DN thì trong thời gian chậm nhất 3 ngày làm việc kể từ ngày DN có yêu cầu, cán bộ Thuế phải đến ngay DN thực hiện đối chiếu, xác định nợ thuế và cập nhật đầy đủ kết quả đối chiếu vào ứng dụng quản lý thuế tập trung.
Về việc thực hiện cưỡng chế nợ thuế, đối với khoản tiền nợ thuế từ 91-120 ngày, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của DN.
Riêng đối với khoản tiền nợ thuế từ 121 ngày trở lên và đã ban hành quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản nhưng quyết định cưỡng chế đã hết hiệu lực (quá 30 ngày), DN chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền nợ thì thực hiện ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng.