Nông nghiệp hữu cơ: Cần nhưng không nên ồ ạt
Nhu cầu tiêu dùng cũng như xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang có xu hướng tăng mạnh. Nhưng hiện nay, phân khúc sản phẩm này mới chỉ phục vụ một nhóm đối tượng có thu nhập cao. Tại diễn đàn quốc tế nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – phát triển và hội nhập diễn ra hồi giữa tháng 12/2017 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ là điều cần thiết, song không nên làm theo phong trào, phát triển ồ ạt sản phẩm này.
Nhu cầu cao
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, thị trường thực phẩm và đồ uống hữu cơ toàn cầu được mong đợi sẽ tăng tốc mạnh dù thị phần hiện nay còn nhỏ, mới chỉ khoảng 4% doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống toàn cầu. Cụ thể, năm 2015, doanh thu của ngành này chỉ khoảng 81,6 tỉ đô la Mỹ nhưng đến năm 2020 có thể lên tới 110 tỉ đô la, tức tăng gần 35% trong 5 năm.
Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là ba thị trường hữu cơ phát triển nhất, trong đó Mỹ chiếm gần 50% doanh thu sản phẩm hữu cơ toàn cầu. Tại những thị trường này, người tiêu dùng những sản phẩm hữu cơ chủ yếu là những người có thu nhập cao.
Ở Việt Nam, các sản phẩm hữu cơ vẫn còn mới mẻ với người tiêu dùng, dù vậy, theo ông Hoàng, thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển vào những năm tới nhờ sự hiện diện của các sản phẩm nội địa và nhập khẩu.
Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, xuất phát từ nhu cầu thị trường và sự chủ động của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, trong đó có Công ty Viễn phú, Công ty Organic Đà Lạt, sữa của Tập đoàn TH, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau…. Gần đây, một số tỉnh, thành chủ động thành lập Hội nông nghiệp hữu cơ như tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận, Hoà Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng… Điều kiện khí hậu của Việt Nam cũng thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ xuất khẩu.
Theo ông Mịch, dù nông nghiệp hữu cơ đã có bước phát triển mạnh trong một vài năm gần đây, nhưng nhìn chung vẫn còn đi sau các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện nghị định về nông nghiệp hữu cơ trình Chính phủ.
Tuy nhiên, các nội dung ở dự thảo nghị định còn thiên về quản lý hơn là các chính sách phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Chính vì thế, bên cạnh việc hoàn thiện nghị định cần xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ toàn diện, trong đó cần xây dựng chính sách và các đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ cụ thể, bao gồm xây dựng tiêu chuẩn, cấp chứng nhận, nâng cao năng lực, chính sách ưu đãi đặc thù nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Có nên phát triển ồ ạt?
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết trong thời gian qua, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã tăng đáng kể, đạt 70.000 ha năm 2015, cao gấp 3,6 lần so với năm 2010. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ sang lĩnh vực này do nhận thấy được tiềm năng thị trường khi thu nhập người dân ngày càng tăng cao, nhận thức về sản phẩm sạch, an toàn cũng cải thiện.
Tiềm năng thị trường nông sản hữu cơ lớn, nhưng để mở rộng diện tích và tăng sản lượng sản phẩm này còn gặp nhiều thách thức. Theo ông Cường, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường chưa ổn định. Bên cạnh đó, một số ít doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế, sản xuất hữu cơ của nhiều hộ nông dân dựa trên cơ sở tự nguyện, chưa có tổ chức chứng nhận và chưa được các tổ chức hữu cơ thế giới thừa nhận.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm nên lòng tin của người tiêu dùng chưa đảm bảo. Do đó, mô hình hữu cơ chưa được nhân rộng.
“Chúng ta không thể bỏ qua cơ hội sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng cũng không thể xem nhẹ anh ninh lương thực, an sinh xã hội. Công tác quy hoạch phải bền vững và hài hoà cả về tỷ trọng, diện tích, ngành hàng để từ đó có chính sách cần thiết”, ông Cường nói.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng nông nghiệp hữu cơ sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới. Vì vậy, không thể phát triển ồ ạt theo phong trào, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học.
Theo Thủ tướng, phát triển nông nghiệp hữu cơ phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nên ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế.
“Làm cái gì cũng theo phong trào là hỏng hết. Phải chặt chẽ, rõ ràng, có chỉ đạo, đừng để sụp đổ theo phong trào”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, và cho biết thêm: “Nếu chúng ta làm nhập nhằng, không minh bạch thì sản phẩm dư thừa, không tiêu thụ được do người tiêu dùng nghi ngờ”.
Cũng có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nông nghiệp hữu cơ chủ yếu phục vụ xuất khẩu và một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có thu nhập cao nên không cần thiết phải phát triển ồ ạt và có quá nhiều chính sách hỗ trợ. Hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng lớn tới Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vùng nông nghiệp trọng điểm trên cả nước, do đó, đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo cung cấp đủ nông sản sạch cho người dân mới là nhiệm vụ cấp thiết.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được chú ý phát triển trong những năm gần đây. Đến nay, 33 tỉnh, thành phố đã có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70.000 ha dưới các hình thức, quy mô, sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ về quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sắp tới đây sẽ chuyển sang một hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn đầu vào trong chu trình sản xuất cho đến xây dựng nhằm đáp ứng những yêu cầu về phát triển thị trường mới.