Kho bạc Nhà nước Bình Dương
Tăng cường quản lý rủi ro trong kiểm soát chi thường xuyên
Quản lý phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kiểm soát chi ngân sách nhà nước nói chung và kiểm soát chi thường xuyên nói riêng luôn được Kho bạc Nhà nước Bình Dương quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.
Nâng cao trách nhiệm quản lý rủi ro kiểm soát chi
Để phòng ngừa rủi ro và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi nhằm đảm bảo sử dụng đúng mục đích, chế độ, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bình Dương luôn quan tâm đến công tác thanh tra - kiểm tra vì thông qua hoạt động này sẽ phát hiện được các sai sót, gian lận và vi phạm phát sinh trong thực tiễn tác nghiệp để khắc phục và phòng tránh rủi ro có kết quả. Định kỳ hằng tuần, hằng tháng, Ban Giám đốc tổ chức họp giao ban để nắm bắt tình hình chung của đơn vị, kết hợp với các buổi tuyên truyền pháp luật, để đưa ra những nhận diện rủi ro để cảnh báo những tình huống có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rủi ro xuất phát từ phía đơn vị sử sụng ngân sách là rất lớn, cũng không ngoại trừ khả năng phát sinh từ bên các đơn vị KBNN. Quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vẫn còn nhiều rủi ro từ các yếu tố như: Biên chế thiếu, thời gian xử lý rút ngắn, tâm lý cán bộ kiểm soát sợ trễ hạn, kiểm soát nhanh dẫn đến kiểm soát không kỹ, quy trình xử lý luân chuyển hồ sơ chưa chặt chẽ, chưa quy định thẩm quyền từ chối, các khoản chi đặc thù của địa phương. Ngoài ra, việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhưng thiếu thống nhất hoặc văn bản chưa phù hợp, chưa phân định rõ trách nhiệm dẫn đến gây khó khăn cho công chức trong thực thi nhiệm vụ kiểm soát chi.
Do đó, ngay khi KBNN ban hành Quyết định số 2626/QĐ- KBNN (ngày 31/5/2021 về việc Ban hành Quy định kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN, kế toán tại hệ thống KBNN) và sau này là Quyết định số 6464/QĐ-KBNN (ngày 10/12/2021 của KBNN về việc Ban hành Quy định kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong công tác kế toán tại hệ thống Kho bạc Nhà nước) và Quy định số 6910/QĐ-KBNN ngày 21/12/2021 về ban hành quy chế đánh giá công chức trong quản lý rủi ro hoạt động nghiệp vụ, kiểm soát chi, kế toán, thanh toán KBNN, KBNN Bình Dương đã tập trung và thực hiện bài bản hơn về công tác phòng ngừa rủi ro.
KBNN Bình Dương thường xuyên tổ chức nghiên cứu các quy định, quy trình về kiểm soát chi thường xuyên NSNN, tìm hiểu thực trạng công tác quản lý rủi ro trong kiểm soát chi thường xuyên NSNN, tham khảo ý kiến của các công chức thông qua Hội thảo về rủi ro, từ đó, phân tích quy trình nghiệp vụ, nhận diện các rủi ro và yếu tố tác động. Trên cơ sở các kết quả phân tích, KBNN Bình Dương tìm ra giải pháp phù hợp để quản lý rủi ro trong công tác kiểm soát chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, KBNN Bình Dương luôn quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ năng lực công chức, ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ thông tin, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra phối hợp tuyên truyền đến các cơ quan tại địa phương về công tác kiểm soát chi thường xuyên. Nhờ đó, trong 10 tháng đầu năm 2022 tại KBNN Bình Dương số lượng các kiến nghị, các vụ vi phạm phải xử phạt vi phạm hành chính đã giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng cường quản lý rủi ro trong kiểm soát chi thường xuyên
Sự phát triển của công nghệ thông tin và những thay đổi lớn trong chế độ, ứng dụng nghiệp vụ luôn tiềm ẩn các rủi ro trong hoạt động của KBNN, đặc biệt là trong kiểm soát chi NSNN. Vì vậy, KBNN Bình Dương đã đề ra các nhóm giải pháp phòng ngừa rủi ro gồm:
Một là, hoàn thiện chế độ, quy trình nghiệp vụ kiểm soát chi thường xuyên: KBNN phối hợp cùng KBNN địa phương trong xây dựng, ban hành bảng đánh giá rủi ro để kiểm soát thanh toán đảm bảo quản lý được các rủi ro có thể xảy ra; phân loại rủi ro nội dung chi, đơn vị sử dụng ngân sách theo mức độ rủi ro cao, trung bình, thấp.
Hai là, chú trọng xây dựng, đào tạo đội ngũ, cán bộ, công chức kiểm soát chi thường xuyên: Thủ trưởng các đơn vị KBNN thực hiện tốt công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức trong đơn vị mình quản lý; Thường xuyên tổ chức công tác kiểm tra, tự kiểm tra (04 đợt/năm, 01 đợt/quý), xử lý sau kiểm tra theo đúng quy chế. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn, thảo luận về cơ chế chính sách mới, văn bản hướng dẫn hằng năm cho công chức kiểm soát chi. Các giao dịch viên tăng cường học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng rèn luyện; Tuân thủ đúng nguyên tắc và điều kiện trong kiểm soát chi.
Ba là, xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro kiểm soát chi thường xuyên: Ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu và đạt hiệu quả quản lý trong kiểm soát rủi ro kiểm soát chi và thanh toán các khoản chi thường xuyên; Kiểm soát được số liệu, hạn chế rủi ro chi vượt số đối tượng, số tiền; Kiểm soát được đã thanh toán, số dư còn lại đối với hợp đồng nhiều lần, kiểm soát số liệu chi của các đơn vị có độ rủi ro cao... Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin KBNN và đảm bảo an toàn thông tin: Tiếp tục triển khai liên thông dữ liệu dịch vụ công trực tuyến – TABMIS – thanh toán liên ngân hàng trên phạm vi toàn quốc; Đảm bảo thực hiện quy định an toàn thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và quản lý chứng thư số.
Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với kiểm soát chi thường xuyên: Xây dựng Từ điển rủi ro chuyên ngành trên cơ sở sai sót phát hiện và sai sót dự báo; kiện toàn mô hình quản lý rủi ro và cụ thể hóa trong hoạt động thanh tra - kiểm tra. Đưa công chức phòng Thanh tra - Kiểm tra vào thành phần tham gia các hội nghị tập huấn về công tác kế toán nhà nước, kiểm soát chi, triển khai văn bản chế độ mới để cập nhật kịp thời văn bản, chế độ và trao đổi, thảo luận chuyên sâu hơn về nghiệp vụ…
Năm là, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan tại địa phương và tuyên truyền về kiểm soát chi qua KBNN: Tuyên truyền văn bản chế độ liên quan đến kiểm soát chi trên mọi phương tiện như trang web của KBNN Bình Dương, các trang báo đài phát thanh, đài truyền hình Bình Dương, zalo…; tổ chức các buổi Hội nghị các đơn vị sử dụng ngân sách để lắng nghe những vướng mắc, những bất cập phát sinh tại địa phương…; Phối hợp với cơ quan thanh tra kiểm tra và phòng chống tham nhũng tại địa phương trong việc thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra, từ đó, góp phần xác định và kiểm soát quản lý đơn vị có rủi ro cao trong công tác quản lý tài chính và sử dụng ngân sách nhà nước.