Thúc đẩy thị trường vốn phát triển ổn định, an toàn, bền vững năm 2023
Trong năm 2023, dự báo nền kinh tế trong nước và toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Do đó, việc phát triển thị trường vốn cần được triển khai đồng bộ với các nhóm giải pháp từ hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển toàn diện các cấu phần thị trường, đa dạng sản phẩm... đến tăng cường quản lý giám sát, thanh tra đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, an toàn, hiệu quả.
Với mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn phát triển ổn định, an toàn, bền vững, công khai, minh bạch, năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán (TTCK); đồng thời, trình cấp có thẩm quyền ký ban hành Đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả doanh nghiệp và nhà đầu tư mua trái phiếu; lựa chọn nội dung sửa đổi để duy trì ổn định thị trường, tạo dựng niềm tin của thị trường đối với điều hành của Chính phủ...
Trong năm 2023, về tổ chức thị trường, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên TTCK và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro; đẩy mạnh tái cấu trúc TTCK, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Tài chính cũng sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn trên TTCK của các tổ chức phát hành. Thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi cổ phần hóa. Tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN của các ngân hàng thương mại, CTCK, bao gồm việc các nhân viên của ngân hàng thương mại định hướng người dân tới gửi tiền được gợi ý chuyển sang đầu tư. Đẩy mạnh công tác giám sát TTCK, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường...
Về tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung trên cả thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo nghiên cứu sẵn sàng triển khai các sản phẩm mới: hợp đồng tương lai trên bộ chỉ số mới; đăng ký tài khoản tổng (Omnibus) và chứng chỉ lưu ký (DR), dịch vụ cổ đông điện tử (E-passbook). Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ số mới nhằm phục vụ triển khai sản phẩm mới cho thị trường phái sinh.
Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) cho TTCK cơ sở, đồng thời triển khai nghiệp vụ giao dịch trong ngày và thanh toán chứng khoán chờ về khi hệ thống công nghệ thông tin mới đi vào hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin (big data, blockchain, fintech) vào hoạt động nghiệp vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức phát hành, thành viên lưu ký và nhà đầu tư...
Bộ Tài chính cũng sẽ tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột là tăng chất lượng của các CTCK và công ty quản lý quỹ, tăng cơ sở nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại tổ chức thị trường. Thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ hưu trí tự nguyện, các loại hình quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm...; đồng thời tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường... Tăng cường và chủ động hội nhập quốc tế, tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế về nâng hạng thị trường trong khuôn khổ chương trình phát triển thị trường vốn để trao đổi và đề xuất các giải pháp phù hợp nâng hạng TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, ổn định tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư, tiếp tục tập trung truyền thông với thông điệp rõ về định hướng phát triển của Nhà nước đối với thị trường TPDN. Phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an để ngăn chặn việc đưa tin không chính thống, chưa kiểm soát; đồng thời kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động các hội nhóm, các hành vi đưa tin sai sự thật, gây rối loạn thị trường.