Thương mại đa kênh: Xu hướng mới của bán lẻ hiện đại

Theo Thảo - Dương/congthuong.vn

Dù thị trường bán lẻ Việt Nam trong 9 tháng qua vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, buộc các nhà bán lẻ phải thay đổi để thích ứng với xu thế hiện nay.

Trung tâm thương mại Takashimaya hoạt động theo mô hình đa kênh. Nguồn: congthuong.vn
Trung tâm thương mại Takashimaya hoạt động theo mô hình đa kênh. Nguồn: congthuong.vn

Thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2018 ước tính đạt 3.235,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.433,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2%, tăng 12%. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy, lĩnh vực bán lẻ vẫn đang hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tư vấn thị trường Savills Việt Nam - đánh giá, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển sôi động với sự hỗ trợ mạnh mẽ của hệ thống logistics và công nghệ thông tin. Xu hướng hiện nay, thương mại điện tử gia tăng rất mạnh, doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng giao dịch thương mại điện tử tăng 50%, giá trị giao dịch tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái… cho thấy tốc độ tăng trưởng rất lớn của bán lẻ.

Mặc dù được nhận định có sự tăng trưởng mạnh nhưng các đơn vị tư vấn nghiên cứu thị trường cho hay, thị trường bán lẻ đang có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt với sự đến và đi của các doanh nghiệp. Đơn cử, Parkson Retail Asia - Tập đoàn sở hữu và vận hành chuỗi Parkson tại Việt Nam - đã thông tin đóng cửa thêm một trung tâm thương mại (TTTM) tại Sài Gòn sau khi liên tiếp thua lỗ tại thị trường Việt Nam.

Thay đổi theo hướng đa kênh

Theo chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, sở dĩ Parkson không cạnh tranh được do hoạt động theo mô hình Department store (bán hàng chia sẻ lợi nhuận, doanh nghiệp thuê gian hàng phải trả phí quản lý cho TTTM). Tuy nhiên, đơn vị quản lý lại không chạy chương trình khuyến mại, còn các shop ở đây thì cho rằng, đơn vị quản lý phải có nghĩa vụ kéo khách tới. Cứ như vậy, không ai làm marketing thực thụ, dẫn tới kinh doanh ế ấm.

Thêm vào đó, Parkson hoạt động không đa dạng như các TTTM khác. Hệ thống này hướng đến khách hàng cao cấp, tập trung nhiều vào thương hiệu cao cấp nên càng khó tiếp cận khách hàng và buộc phải đóng cửa các trung tâm tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường cũng chứng kiến rất nhiều TTTM đang kinh doanh sôi động, thành công do mô hình hoạt động phù hợp với xu thế thị trường và quan trọng là đều nằm ở các vị trí đắc địa. Đơn cử, Emart hay Aeon Mall đều hoạt động ở các quận không phải trung tâm, giá thuê gian hàng thấp, thuận lợi để tạo dựng quy mô cực lớn, khách hàng còn được hỗ trợ bởi các dịch vụ xung quanh. Vì thế, những khu thương mại này lôi kéo không chỉ người dân địa phương mà còn có nhiều khách từ các vùng lân cận, đặc biệt vào dịp cuối tuần.

Ông Lê Hữu Tình - Giám đốc Marketing Emart Việt Nam - cho biết, hầu hết TTTM tại Việt Nam hiện nay đều hoạt động theo xu hướng đa kênh, tích hợp offline (bán tại chỗ) và online (bán hàng qua điện thoại, ứng dụng trên điện thoại và website). Các trung tâm thương mại Takashimaya, Aeon và Emart là điển hình của xu thế bán lẻ hiện đại, tích hợp đa kênh nên đông khách nhất.