Xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số và kinh nghiệm đối với Thái Nguyên

Ngô Cẩm Tú - Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên

Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số là xu thế tất yếu và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số ra đời dần thay thế cho các khu vực kinh tế truyền thống đòi hỏi cơ cấu lao động phải có những biến đổi phù hợp. Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ở mỗi quốc gia, địa phương khác nhau được triển khai theo nhiều hướng khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế, văn hoá, xã hội của từng quốc gia. Bài viết nghiên cứu thực tiễn xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số của Singapore, Thái Lan và 2 địa phương ở Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, từ đó rút ra một số kinh nghiệm để xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số ở tỉnh Thái Nguyên.

Kinh nghiệm xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số tại Đông Nam Á

Singapore

Singapore là quốc gia có diện tích nhỏ (699km2) với dân số 5,97 triệu người, nhưng được đánh giá có nền kinh tế phát triển bậc nhất châu Á. Do không có điều kiện thuận lợi hay giàu có về tài nguyên, khoáng sản, nên ngay từ khi thành lập, quốc gia này luôn tập trung vào vấn đề xây dựng, phát triển nhân lực. Nền kinh tế số là 1 trong 3 mục tiêu được Singapore nêu ra trong sáng kiến “Quốc gia thông minh” năm 2014.

Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế số, Chính phủ Singapore đã quan tâm chuẩn bị các điều kiện, các yếu tố hỗ trợ như: Xây dựng kết cấu hạ tầng số; phát triển ngành công nghệ thông tin truyền thông làm nền tảng cho phát triển kinh tế số; phát triển thanh toán điện tử, đồng thời chú trọng xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số. Chiến lược phát triển nhân lực và nguồn nhân lực Singapore áp dụng trên nhiều khía cạnh để đảm bảo người dân được trang bị tốt về năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế số, cụ thể:

Thứ nhất, chú ý xây dựng độ ngũ chuyên gia công nghệ số và nhà lãnh đạo kĩ thuật số trong các doanh nghiệp. Để phát triển nhà lãnh đạo kĩ thuật số, Chính phủ Singapore đã ban hành chương trình “Nhà lãnh đạo kỹ thuật số” (DLP) mới. Cách thức thực hiện là xây dựng nhóm kỹ thuật số nội bộ, trong đó có nhóm kỹ thuật số cốt lõi để thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số và hỗ trợ các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nhóm này bao gồm: Nhà lãnh đạo (Giám đốc công nghệ, giám đốc kỹ thuật số) và tối thiểu 5 tài năng kỹ thuật số để thực hiện các sáng kiến kỹ thuật số cho doanh nghiệp.

Thứ hai, Singapore coi việc thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài nước ngoài là một chiến lược ưu tiên hàng đầu. Thu hút nhân tài bằng cách đưa ra các ưu đãi cao, các điều kiện sống tốt cho các nhân tài. Singapore đã xây dựng các kế hoạch thu hút và giữ chân những nhân tài hàng đầu thế giới. Những sáng kiến mới được Bộ Nhân lực, Bộ Thương mại và Công nghiệp cùng các cơ quan quản lý kinh tế khác của Singapore công bố, không chỉ góp phần thu hút nhân tài hàng đầu thế giới, mà còn khiến những nhân tài của các quốc gia mong muốn ở lại Singapore và tham gia vào công cuộc xây dựng một đất nước năng động và giàu mạnh.

Thứ ba, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, trang bị kỹ năng số cho các lao động phổ thông. Singapore hỗ trợ, mở các khoá học và các chương trình bồi dưỡng kỹ năng mới cho những người lao động bị mất việc và những người có nguy cơ bị mất việc do chuyển đổi số. Bổ sung, cập nhật các chương trình, môn học cho sinh viên về nền tảng số, từ mã hoá đến tư duy thiết kế và các kỹ năng số cần thiết cho tương lai.

Thái Lan

Thái Lan là nền kinh tế đứng thứ hai Đông Nam Á. “Chính sách Thái Lan số” được Chính phủ Thái Lan đưa ra với tham vọng xây dựng một xã hội và nền kinh tế số hướng tới hoàn thành tầm nhìn “Thái Lan số 4.0”. Chính phủ Thái Lan hướng tới nền kinh tế số và dịch vụ dựa trên công nghệ số làm cơ chế cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng 5% GDP mỗi năm, giải phóng Thái Lan khỏi bẫy thu nhập trung bình. Dựa trên các chính sách thúc đẩy kinh tế số, Thái Lan đã thực hiện một số chiến lược để phát triển nhân lực số như sau:

Một là, Chính phủ Thái Lan công bố kế hoạch ngân sách 1 tỷ USD để đào tạo 12.290 tiến sĩ công nghệ và khoa học phục vụ quá trình phát triển của đất nước và phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong 20 năm tới (Jones, 2017).

Hai là, tăng số lượng giáo viên trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu thông qua nhiều biện pháp khác nhau, như cấp học bổng cho các giáo viên khoa học và công nghệ cũng như nhiều lợi ích xã hội cho các giáo viên.

Ba là, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho “Chính sách Thái Lan số”, Chính phủ Thái Lan đã đào tạo các kỹ năng kỹ thuật số nghề nghiệp cho 8.000 người thuộc nhóm thiệt thòi, 700.000 sinh viên ở các trường đào tạo nghề và 400.000 người được cung cấp nội dung nghề nghiệp trực tuyến toàn thời gian và ít nhất 600.000 người được đào tạo kiến thức kỹ thuật số (Jones, 2017).

Bốn là, đưa hàng chục nghìn sinh viên Thái Lan ra nước ngoài để đào tạo trên cơ sở học bổng của Chính phủ Thái Lan.

Kinh nghiệm xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế số ở một số địa phương ở Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất Việt Nam, với quy mô nền kinh tế số lõi năm 2021 ước đạt 8,27 tỷ USD, chiếm hơn 14% GRDP, năm 2022 đóng góp khoảng 15% GRDP. TP. Hồ Chí Minh xác định mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến năm 2030 đóng góp 40% GRDP, trong khi mục tiêu tương ứng của cả nước là 20% và 30%. Để đạt được những kết quả nói trên, Thành phố đã có nhiều chính sách đối với xây dựng nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, về chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, Thành phố tuyển dụng, bố trí, sử dụng nhân lực không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, hộ khẩu; trả lương đúng với tài năng và trình độ; nhân tố được ưu tiên đề bạt vào những chức vụ quan trọng trong doanh nghiệp từ cấp trưởng phòng, ban trở lên; Người chưa có nhà ở được ưu tiên giải quyết mua nhà ở khu chung cư và có chính sách miễn, giảm; những người ở xa thành phố được bố trí nơi ở không phải trả tiền thuê; bố trí phương tiện đi lại thuận tiện...

Thứ hai, về chính sách đào tạo, Thành phố đã ban hành “Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố đến năm 2025”. Theo đó, Thành phố tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực trọng điểm đến năm 2025 như: Lĩnh vực công nghệ thông tin; lĩnh vực cơ khí - ô tô; lĩnh vực tự động hóa; lĩnh vực cơ điện tử; lĩnh vực điện - điện tử; lĩnh vực logistics; lĩnh vực du lịch; lĩnh vực xây dựng; lĩnh vực công nghệ môi trường.

Tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 10/8/2020 về thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm khoảng 15% GRDP và đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số. Để thực hiện mục tiêu nêu trên, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung xây dựng và phát triển nhân lực và đạt được một số kết quả cụ thể sau:

- Nguồn nhân lực của tỉnh tương đối trẻ, lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 63,44% tổng dân số. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp.

- Giáo dục nghề nghiệp từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và xây dựng kinh tế số. Toàn Tỉnh hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các ngành, nghề đào tạo ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp). Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm đào tạo được cho 66.316 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 45,5% năm 2016 lên 56% năm 2020.

- Xây dựng nền tảng “Công dân số Xứ Lạng” cho phép người dân tra cứu các tiện ích cơ bản như: Thủ tục hành chính, nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ, thủ tục trực tuyến, tra cứu thông tin đất đai, thửa đất quy hoạch tại Tỉnh và tương tác với hệ thống trợ lý ảo iSee Lạng Sơn, thực hiện mua hàng trên các sàn thương mại điện tử…

Bài học kinh nghiệm đối với tỉnh Thái Nguyên

Từ kinh nghiệm thực tiễn của việc xây dựng và phát triển nhân lực tại các quốc gia và địa phương, tác giả đề xuất một số bài học rút ra nhằm xây dựng nhân lực cho phát triển kinh tế số ở tỉnh Thái Nguyên như sau:

Một là, hoàn thiện chiến lược và tăng cường quy hoạch xây dựng nhân lực cho phát triển kinh tế số. Thái Nguyên cần căn cứ “Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 14/3/2023 để xây dựng một chiến lược phát triển nhân lực tổng thể trong giai đoạn 2021 – 2030. Để làm được điều này cần thực hiện những nhiệm vụ sau: (1) Xác định các ngành, lĩnh vực trọng tâm của phát triển kinh tế số. Từ đó dự báo nhu cầu nhân lực cần tuyển mới, cần đào tạo mới hoặc đào tạo lại để xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn; (2) Định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh phổ thông, trong quá trình này có thể tuyển chọn và ưu đãi học bổng cho các học sinh có thành tích xuất sắc để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh. (3) Đưa ra những chính sách khuyến khích đội ngũ nguồn nhân lực đang làm việc trực tiếp tại các cơ quan quản lý nhà nước, ngành kinh tế trọng điểm tiếp tục tham gia đào tạo để nâng cao trình độ, kĩ năng đặc biệt là các kĩ năng số phục vụ quá trình chuyển đổi số kinh tế Tỉnh.

Hai là, hoàn thiện chính sách tiền lương, thưởng và chế độ đãi ngộ nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao trong tỉnh cũng như lao động có trình độ, kĩ năng tay nghề cao đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, quản lý kinh tế… từ các địa phương, quốc gia khác.

Ba là, coi trọng công tác giáo dục, đào tạo nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế số. Cụ thể: (1) Tập trung tài chính, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực dài hạn theo lộ trình, giai đoạn phát triển; (2) Cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế số. (3) Bổ sung, cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật, AI, công nghệ; (4) Tái đào tạo nhân lực đang làm việc trong các ngành, lĩnh vực để họ bắt kịp với xu hướng công nghệ số

Bốn là, nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số.

Năm là, chính sách thúc đẩy nguồn nhân lực công nghệ thông tin vừa phải có những ưu tiên rõ rệt, vừa phải tính toán đến các nhóm yếu thế trong xã hội, như người khuyết tật, nông dân, phụ nữ... để thúc đẩy sự phát triển bình đẳng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bùi Kim Thanh, Lê Minh Hằng, Phát triển kinh tế số tại Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam https://www.tapchicongsan.org.vn/;
  2. Nguyễn Mạnh Hùng, Kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở một số quốc gia và giá trị tham khảo với Việt Nam, Tạp chí Tuyên giáo số 3 – 2021, Tr 39 – 42;
  3. Nguyễn Thị Lê Trâm, Kinh nghiệm phát triển nhân lực của một số quốc gia và gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 tháng 8/2019 (710) Tr.134-136;
  4. Jones, Charlie (2017), Innovative ideas: Thailand 4.0 and the Fourth Industrial Revolution Asian International Journal of Social Sciences, 17(1), P4 – 32. https://doi.org/10.29139/aijss.20170101.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 5/2023