Ngành Thuế đã làm tất cả để chống thất thu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Trao đổi về công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, thời gian qua ngành Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp chống thất thu hiệu quả, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước.

Đoàn công tác chống thất thu của Chi cục Thuế quận Đống Đa kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật thuế tại một nhà hàng ăn uống trên địa bàn.
Đoàn công tác chống thất thu của Chi cục Thuế quận Đống Đa kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật thuế tại một nhà hàng ăn uống trên địa bàn.

PV: Thưa ông, dự toán thu ngân sách năm 2017 của ngành Thuế được Quốc hội, Chính phủ giao khá cao. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Thuế đã thực hiện công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN) như thế nào? Công tác chống thất thu ngân sách chúng ta đã thực hiện rốt ráo, triệt để hay chưa?

- Ông Nguyễn Đại Trí: Nhiệm vụ thu ngân sách năm 2017 của ngành Thuế được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao rất nặng nề. Tổng dự toán giao cho ngành Thuế là gần 970.000 tỷ đồng, một con số rất lớn. Ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế, chi cục thuế phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN.

Ngành Thuế đã bám sát tại Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 14 của Chính phủ (tăng thu vượt dự toán pháp lệnh từ 14 - 16%). Tính đến 31/7/2017, tổng thu nội địa đạt 55% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, nhiều khả năng đảm bảo tiến độ thu đề ra. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu thu tăng thêm, bên cạnh việc triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra, ngành Thuế cũng tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền các cấp để đảm bảo đôn đốc kịp thời các khoản thu vào NSNN.

Với tinh thần không bỏ sót các nguồn thu, trong năm 2017 ngành Thuế đã tập trung quản lý việc khai thuế vào các đối tượng kinh doanh qua mạng; chống thất thu đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ. Đây là những lĩnh vực được cho là có rủi ro cao về thuế. Đến nay, nhiều người kinh doanh qua mạng đã bắt đầu tự nguyện, tự giác đăng ký kê khai nộp thuế tại Cục Thuế TP. Hà Nội, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tới đây sẽ triển khai ở các địa bàn khác trên phạm vi cả nước.  

Ngoài ra, để chống thất thu, đảm bảo nguồn thu NSNN, cơ quan thuế cũng tăng cường công tác quản lý nợ, thu hồi nợ thuế, đảm bảo thực hiện đúng quy trình quản lý, cưỡng chế nợ thuế. Ngành Thuế đã thu được 29.000 tỷ đồng nợ thuế, bằng 61% so với thời điểm 31/12/2016.

Bên cạnh công tác quản lý thu, ngành Thuế cũng triển khai nhiều nhiệm vụ khác, đó là công tác cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19, công tác hiện đại hóa theo Nghị quyết 36a của Chính phủ; triển khai các chương trình hỗ trợ để mang lại sự thuận tiện nhất cho người nộp thuế.

Hiện nay, gần như 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước đã áp dụng khai thuế qua mạng. Năm 2017, ngành Thuế đã triển khai thêm một nhiệm vụ rất quan trọng đó là hoàn thuế điện tử. Đến hết tháng 7, đã có gần 3.000 doanh nghiệp đã đăng ký hoàn thuế điện tử. Từ 1/8 ngành đã triển khai hoàn thuế điện tử mở rộng trên phạm vi toàn quốc, áp dụng chủ yếu đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư.

Đồng thời, ngành Thuế cũng từng bước triển khai nộp thuế điện tử đối với thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất, lệ phí trước bạ ôtô, xe máy. Ngoài các giải pháp đó, toàn ngành cũng liên tục cải cách, rút ngắn các quy trình, thủ tục để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

PV: Có tình trạng hiện nay là nhiều trường hợp bán hàng nhưng không xuất hóa đơn. Nguyên nhân phần nhiều cũng là do người mua hàng không lấy hóa đơn, nên người bán cũng không xuất hóa đơn. Để chống thất thu thuế, cần nâng cao ý thức của người mua hàng, quan điểm của ông như thế nào?

- Ông Nguyễn Đại Trí: Đây là một vấn đề khó, phức tạp, nếu chỉ riêng ngành Thuế sẽ không thể thực hiện được. Chúng tôi cũng rất mong nhận được sự đồng hành của các cơ quan chức năng có liên quan, đặc biệt là đối với người dân, người tiêu dùng trong cả nước khi thực hiện mua bán hàng hóa. 

Như chúng ta đã biết, theo quy định của pháp luật, việc mua bán hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên thì người bán phải có nghĩa vụ xuất hóa đơn cho người mua. Ngành Thuế cũng đã tuyên truyền, phổ biến rất nhiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được quyền và nghĩa vụ của mình. Vì vậy, mong rằng mọi người dân hiểu và mỗi khi mua hàng hóa, yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn. Qua đó vừa là cơ sở để bảo vệ quyền của người mua hàng nếu có vấn đề gì xảy ra, đồng thời cũng là giúp ngành Thuế chống thất thu NSNN.

PV: Trong dự thảo Luật Sửa đổi 5 luật về thuế của Bộ Tài chính, có những sắc thuế giảm, ví như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 15%, nhưng cũng có loại thuế tăng (thuế giá trị gia tăng phổ thông tăng lên 12%). Dư luận cho rằng dư địa thu còn lớn, nếu quản lý tốt thì không cần phải tăng thuế. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến này?

- Ông Nguyễn Đại Trí: Trước hết tôi phải khẳng định là ngành Thuế đã làm tất cả những giải pháp để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN. Như tôi đã nói ở trên, để chống thất thu NSNN, ngành Thuế đã có rất nhiều giải pháp chống thất thu một cách quyết liệt, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc rất căn bản là đã kinh doanh thì phải nộp thuế. Việc nộp thuế phải đúng mức thuế, đúng thời gian theo quy định của pháp luật, không có chuyện buông lỏng quản lý, gây thất thu NSNN.

PV: Xin cảm ơn ông!