Kế toán quản trị - Công cụ để thực hiện tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập
Tự chủ đại học đang trở thành xu thế của sự phát triển, đổi mới nền giáo dục trong quá trình hội nhập quốc tế, bởi nó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các trường đại học công lập. Tuy nhiên, để thích nghi và thực hiện có hiệu quả vấn đề này, các trường đại học cần áp dụng nhiều công cụ quản lý. Bài viết tập trung phân tích những lợi ích của kế toán quản trị trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các trường đại học công lập hiện nay.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong lĩnh vực giáo dục. Các trường đại học nói chung và trường đại học công lập (ĐHCL) nói riêng muốn đứng vững và tạo dựng được thương hiệu cho mình phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo để tạo ra những “sản phẩm” tri thức có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, để làm được điều này, các nhà lãnh đạo đơn vị phải sử dụng nguồn nhân lực, nguồn tài chính của đơn vị cho hợp lý, hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu, điều này phụ thuộc rất nhiều vào thông tin do kế toán cung cấp. Vì vậy, việc vận dụng các nội dung của kế toán quản trị (KTQT) vào công tác quản lý của các trường ĐHCL là rất cần thiết, phù hợp với xu thế hiện nay về việc giao quyền tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ.
Thực tiễn triển khai kế toán quản trị tại các trường đại học công lập hiện nay
KTQT được coi là một trong những công cụ quản lý khoa học hiệu quả, tuy nhiên, hiện mới chỉ được áp dụng chủ yếu ở các doanh nghiệp, còn ở trong các đơn vị hành chính sự nghiệp nói chung và các trường đại học nói riêng thì rất ít, chủ yếu được sử dụng để lập dự toán và đánh giá trách nhiệm. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ mang tính chất bắt buộc theo quy định, chứ chưa nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động quản lý và điều hành của đơn vị.
Phần lớn các trường ĐHCL hiện nay thực hiện theo mô hình thông tin một xuống mà không có sự kết hợp với các phòng, ban khác, do đó chưa thu hút được trí tuệ và kinh nghiệm của cấp quản lý thuộc các bộ phận khác trong đơn vị vào quá trình lập dự toán, vì vậy làm cho thông tin lập dự toán bị hạn chế. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu trong bảng dự toán chưa được lập một cách chi tiết, điều này gây khó khăn trong việc phân tích biến động chi phí. Ngoài ra, các trường cũng chưa có sự phân tích tình hình thực hiện dự toán vào cuối năm, các số liệu dự toán chưa được coi trọng và chỉ mang tính hình thức.
- Về đánh giá trách nhiệm quản lý: Mặc dù, trong các trường ĐHCL đã có sự phân cấp trong quản lý, quy trình đánh giá tương đối chặt chẽ, song do hoạt động đặc thù của đơn vị nên việc đánh giá trách nhiệm chủ yếu nghiêng về mặt định tính nhiều hơn, vì vậy đánh giá trách nhiệm của một số bộ phận chưa có độ tin cây cao. Ví dụ như, đối với các trung tâm dịch vụ chưa có các chỉ tiêu định lượng cụ thể để đo lường, làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá trách nhiệm của các bộ phận này.
- Về hạch toán chi phí: Chi phí phát sinh tại các trường ĐHCL được phân loại theo mục lục ngân sách nhà nước, chưa tổ chức tập hợp theo phạm vi phát sinh chi phí, khiến cho việc kiểm soát chi phí bị hạn chế. Việc xác định chi phí đào tạo cho năm học chỉ được thực hiện khi lập dự toán, chi phí này chỉ mang tính chất ước đoán. Điều này cho thấy việc tổ chức và vận hành công tác KTQT tại các trường ĐHCL chưa được chú trọng, chưa mang tính hệ thống, gây khó khăn cho các nhà quản lý trong việc lập kế hoạch, tổ chức hoạt động, kiểm soát hoạt động và ra quyết định.
Tóm lại, những hạn chế trên đang gây cản trở trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản trị nội bộ đơn vị cũng như điều hành của các nhà quản lý, nhất là trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ. Do vậy, việc tổ chức và vận dụng các nội dung của KTQT khoa học và có hệ thống đối với các trường ĐHCL là rất cần thiết trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.
Một số nội dung kế toán quản trị cần vận dụng tại các trường đại học công lập tự chủ tài chính
Những nội dung KTQT cần được vận dụng trong các trường ĐHCL được tự chủ tài chính, gồm:
- Dự toán ngân sách:
Trong các đơn vị sự nghiệp nói chung và trường học nói riêng, công tác lập dự toán ngoài việc để thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan quản lý, còn có vai trò quan trọng trong hoạch định và kiểm soát bởi thông qua dự toán, nhà trường có thể: Xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban, các khoa, bộ môn… kể cả từng cá nhân trong nhà trường để làm cơ sở đánh giá trách nhiệm; Thúc đẩy hoạt động của các phòng ban, các khoa, bộ môn… hướng đến việc thực hiện mục tiêu chung của nhà trường;
- Đánh giá trách nhiệm quản lý:
Thông qua việc đánh giá này, nhà lãnh đạo nắm rõ năng lực của cán bộ, viên chức và sử dụng làm căn cứ để lựa chọn, sắp xếp, bố trí, đề bạt đúng với năng lực, sở trường của họ; đồng thời, có chế độ khen thưởng kịp thời nhằm khuyến khích và động viên họ tiếp tục cống hiến và ngày càng hoàn thiện bản thân, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy, việc đánh giá này được triển khai hàng năm và căn cứ vào đặc điểm hoạt động của mình, các trường tự xây dựng nội dung đánh giá, mức độ đánh giá, quy trình đánh giá cũng như các chỉ tiêu đánh giá cho phù hợp.
- Tổ chức kế toán chi phí và phân tích biến động chi phí:
Hoạt động của các trường đại học nói chung và các trường ĐHCL được tự chủ tài chính nói riêng là không vì mục đích lợi nhuận, mục tiêu là có thể cung cấp cho xã hội những “sản phẩm tri thức” chất lượng. Để đạt được mục tiêu cũng như duy trì hoạt động hiệu quả là điều dễ dàng, chính vì vậy, để có thể kiểm soát và tiết kiệm được chi phí các trường ĐHCL khi tiến hành tự chủ tài chính cần thiết phải tổ chức hệ thống kế toán chi phí với các nội dung cụ thể như: Phân loại chi phí đào tạo, xác định đối tượng tập hợp chi phí đào tạo, phương pháp tính chi phí đào tạo, kỳ tính chi phí đào tạo. Trên cơ sở xác định được chi phí thực tế phát sinh, so sánh số liệu này với dự toán ban đầu đã lập để chỉ ra được sự biến động của chi phí, từ đó phân tích và tìm ra nguyên nhân của biến động, đề xuất các giải pháp mang lại hiệu quả tối ưu.
- Vận dụng kỹ thuật phân tích CVP để ra quyết định ngắn hạn:
Vận dụng mô hình phân tích mối quan hệ CVP để phân tích mối quan hệ giữa chi phí – số lượng sinh viên và thu nhập, mà chủ yếu là xác định số lượng sinh viên đào tạo tối thiểu để thu có thể bù đắp được chi. Ngoài ra, còn giúp cho các nhà lãnh đạo có thể cân đối ngân sách của mình và xác định được chỉ tiêu tuyển sinh cho các năm học tiếp theo.
Nhìn chung, tự chủ là xu thế tất yếu buộc các trường ĐHCL dần phải thích nghi và để nâng cao hiệu quả công tác quản lý khi hoạt động trong môi trường mới, thì việc vận dụng KTQT là việc làm hết sức cần thiết đối với mỗi trường ĐHCL.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2015), Nghị định 16/2015/NĐ- CP ngày 14/2/2015 về quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập;
2.Trần Đức Chung, 2016. KTQT đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong nền kinh tế hội nhập. Tạp chí Tài chính, kỳ II số tháng 7/2016;
2. Trần Thanh Thúy Ngọc, 2010. Tổ chức công tác KTQT tại trường cao đẳng kinh tế. Luận văn thạc sỹ. Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.