Toàn ngành Tài chính tập trung thực hiện:

Khai thác nguồn thu, kiểm soát giá cả và giải quyết nợ đọng

PV.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính đã quyết liệt chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục thực hiện rà soát lại dự toán thu NSNN và thực hiện chi theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường và tập trung lực lượng thực hiện công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nợ đọng...

ẢNh minh họa. Nguồn: internet
ẢNh minh họa. Nguồn: internet

1. Tập trung cho công tác điều hành thu NSNN:

- Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Luật thuế mới ban hành, tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý thu, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đồng thời tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tập trung xử lý nợ đọng thuế. Cụ thể:

- Cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra gần 52 nghìn doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2014; Qua thanh tra, kiểm tra, đã xử lý số thuế góp phần tăng thu khoảng 8,4 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN trên 6 nghìn tỷ đồng; Giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 16,2 nghìn tỷ đồng; Thu được trên 24,5 nghìn tỷ đồng số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2014.

- Cơ quan Hải quan đã thực hiện 1.835 cuộc thanh tra sau thông quan, bằng 57% kế hoạch đề ra; xử lý truy thu vào NSNN khoảng 1.189 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014.

2 Tập trung cho công tác điều hành chi NSNN:

Các nhiệm vụ chi ngân sách nhìn chung được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đã xuất cấp trên 77 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.

Trong 9 tháng đầu năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi trên 500 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 165 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, qua đó đã phát hiện khoảng 22,6 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.

3. Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường:

Công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu tiếp tục được kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Trong đó:

- Đối với giá xăng dầu:

Trong 9 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành 17 văn bản điều hành giá xăng dầu, số lần tăng giảm của các mặt hàng cụ thể như sau:

Các mặt hàng

Tăng giá

Giảm giá

Giữ ổn định giá

Số văn bản điều hành

Xăng khoáng

5

7

5

17

Dầu điêzen

3

9

5

17

Dầu hỏa

2

12

3

17

Dầu madút

3

9

5

17

Đến ngày 18/9/2015, so với thời điểm cuối năm 2014, giá bán lẻ xăng RON 92 tăng 70đồng/lit, dầu điêzen giảm 3.110đồng/lit, dầu hỏa giảm 4.610đồng/lit; mazut giảm 3.490 đồng/lit.

- Đối với giá cước vận tải: Từ đầu năm 2015 đến nay, trước diễn biến giá xăng, dầu giảm liên tục và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh biên độ tỷ giá có thể có những tác động nhất định đến thị trường, Bộ Tài chính đã các Công văn số 11198/BTC-QLG ngày 14/8/2015 và Công văn số 11707/BTC-QLG ngày 25/8/2015 gửi Bộ Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn trong đó có giá cước vận tải. Hiện hầu hết các địa phương đã đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai giá phù hợp với biến động của chi phí đầu vào; một số các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại nhiều tỉnh/thành phố đã kê khai giảm cước.

- Đối với giá sữa: Tính đến hết tháng 28/9/2015, đã có 768 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương. Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thiết lập mặt bằng giá tối đa, về cơ bản giá được kiểm soát. Giá bán lẻ các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi hiện đã giảm khoảng từ 0,1-34% so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

4. Riêng trong Quý III/2015, ngành Tài chính khẩn trương thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực thuế, hải quan:

Trong lĩnh vực Thuế: tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các Luật thuế mới ban hành, tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý thu, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đồng thời tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tập trung xử lý nợ đọng thuế.

Trong lĩnh vực Hải quan: đã tập trung thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau thông quan; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận trong việc hoàn thuế; tích cực thu hồi nợ đọng thuế (Đến tháng 9/2015 đã thực hiện thu hồi khoảng 748 tỷ đồng nợ thuế chuyên thu quá hạn), tăng cường cải cách thủ tục hành chính, triển khai hải quan điện tử tại 100% cục và chi cục hải quan địa phương; hoàn thành việc triển khai tiếp nhận thông tin điện tử về thu NSNN trực tuyến (online) từ các ngân hàng thương mại và tự động hạch toán kế toán, thanh khoản nợ, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) đã chính thức thực hiện từ ngày 8/9/2015, theo đó, đã kết nối được 6 cơ quan (Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vào NSW. Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á kết nối kỹ thuật ASW (cùng với Indonesia, Malaysia và Thái Lan).