Kho bạc Nhà nước: Nâng cao chất lượng thanh kiểm tra để phòng chống lãng phí, tiêu cực

Vân Cao

Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra luôn được coi là một trong những công cụ quản lý đắc lực của KBNN các cấp. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra KBNN đã góp phần chấn chỉnh kịp thời tồn tại, thiếu sót, sai phạm; góp phần giữ gìn kỷ cương, kỷ luật tài chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước.

Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được coi là một trong những công cụ quản lý đắc lực của KBNN các cấp.
Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được coi là một trong những công cụ quản lý đắc lực của KBNN các cấp.
Có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể

Theo báo cáo của KBNN, trong quý I/2023, hệ thống KBNN đã thực hiện 185 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có 8 cuộc thanh tra chuyên ngành và 177 cuộc kiểm tra nội bộ. Qua công tác thanh tra chuyên ngành hệ thống KBNN đã kiến nghị thu hồi hơn 2,1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hệ thống KBNN bắt đầu triển khai công tác xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực Kho bạc từ năm 2014. Qua đó đã góp phần nâng cao kỷ luật tài chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Trong 5 gần đây (từ năm 2018 đến năm 2022), hệ thống KBNN đã thực hiện hơn 13.300 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền thu vào ngân sách nhà nước là gần 20 tỷ đồng. Trong quý I/2023, hệ thống KBNN đã ban hành là 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 16,5 triệu đồng.

Tại KBNN Nam Định, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động nghiệp vụ, KBNN Nam Định đã quán triệt các đơn vị kho bạc trực thuộc triển khai thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.

Đối với công tác kiểm tra nội bộ, KBNN Nam Định đã tăng cường kiểm tra đột xuất các đơn vị trực thuộc, coi đây là công cụ hữu hiệu để nhìn nhận, đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện các mặt hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ KBNN. Đồng thời, KBNN Nam Định đã kết hợp giữa tự kiểm tra, kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất nhằm xác định những rủi ro tiềm ẩn tại đơn vị và các KBNN trực thuộc để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Trong công tác thanh tra chuyên ngành, KBNN Nam Định đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra với việc tập trung kiểm soát thanh toán các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các khoản chi thường xuyên.

Cũng thông qua thanh tra chuyên ngành, KBNN Nam Định đã phát hiện, kiến nghị khắc phục kịp thời các tồn tại trong lĩnh vực tài chính, ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Còn tại KBNN Nghệ An, đơn vị này đã triển khai công tác thanh tra chuyên ngành sát với nhiệm vụ được giao và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, KBNN Nghệ An đã xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm để phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật.

Thông qua hoạt động thanh tra chuyên ngành, KBNN Nghệ An đã phát hiện những sai phạm trong việc chấp hành chế độ, chính sách pháp luật của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước như: chi không đúng đối tượng; chi vượt định mức; sử dụng tiền tạm ứng không đúng quy định; lập hồ sơ thanh toán gửi ngân hàng để trích chuyển từ tài khoản thanh toán vào tài khoản cá nhân người thụ hưởng không đúng với bảng kê thanh toán đã được KBNN kiểm soát; không chấp hành đúng quy định của pháp luật về các điều khoản thanh toán ghi trong hợp đồng...

Thanh tra, kiểm tra theo trọng tâm, trọng điểm

Theo KBNN, trong năm nay, toàn Ngành sẽ thanh tra, kiểm tra nội bộ theo trọng tâm, trọng điểm, những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại, lĩnh vực nhạy cảm, cấp thiết và đảm bảo thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, từng bước hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác nguồn dữ liệu sẵn có trên các chương trình ứng dụng, kho dữ liệu của KBNN.

KBNN sẽ chuyển đổi phương thức kiểm tra truyền thống sang phương thức kiểm tra, giám sát từ xa trên môi trường điện tử, môi trường số; triển khai giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp phục vụ công tác đánh giá, kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN.

Đồng thời rà soát trên dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc để phát hiện các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định, báo cáo lãnh đạo KBNN để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Trong công tác thanh tra chuyên ngành, KBNN yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu quốc gia; các khoản chi thường xuyên.

Để xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành có trọng tâm, trọng điểm, vừa đảm bảo thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành đã được phê duyệt, đồng thời luôn đảm bảo lực lượng để triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, KBNN đề nghị KBNN các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch gồm kế hoạch chính thức và dự phòng. Riêng đối với KBNN Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa xây dựng kế hoạch chính thức từ 5-8 đơn vị; KBNN các tỉnh, thành phố còn lại xây dựng kế hoạch thanh tra chính thức từ 3-5 đơn vị.

Đặc biệt, KBNN nhấn mạnh, việc tăng cường kiểm tra đột xuất, yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, thực hiện kiểm tra đột xuất các đơn vị thuộc và trực thuộc, coi đây là công cụ hữu hiệu để nhìn nhận, đánh giá chính xác, thực chất, toàn diện các mặt hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ KBNN.

Đồng thời, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự kiểm tra, kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất, qua đó xác định chính xác những rủi ro tiềm ẩn tại đơn vị để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.

Theo KBNN, kết quả công tác giám sát từ xa sẽ góp phần phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo KBNN các cấp, là cơ sở để KBNN và KBNN các tỉnh, thành phố kiểm tra đột xuất KBNN các cấp; chấn chỉnh, xử lý triệt để các tồn tại, sai sót.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023