Nhiều chính sách về thuế hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ hội nhập
Bối cảnh hội nhập đang đặt ra những áp lực không nhỏ đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập, trong đó có các giải pháp về thuế.
Ngày 26/11/2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế (Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực kể từ 1/1/2015). Chính phủ cũng đã ban hành một số giải pháp chính sách thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh (Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định của Chính phủ về thuế và được hướng dẫn tại Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính). Trong đó, có nhiều “trợ lực” đã được áp dụng ngay trong năm 2014 và cơ bản tháo gỡ được nhiều khó khăn cho DN.
Năm 2015, chính sách thuế tiếp tục được triển khai theo hướng hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho DN phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Những điểm mới quan trọng được nêu rõ tại Luật số 71/2014/QH13, Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các luật về thuế và các văn bản hướng dẫn. Các quy định về chính sách ưu đãi thuế, về điều kiện, thời gian ưu đãi thuế rõ ràng, minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho DN.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thứ nhất, bổ sung quy định về đối tượng, khoản thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể:
- Miễn thuế TNDN đối với: Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
- Áp dụng thuế suất 10% đối với: Thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của DN ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
- Áp dụng thuế suất 15% đối với: Thu nhập của DN trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...
Thứ hai, bổ sung vào diện đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất (thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nếu đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao;
- Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm các ngành: Dệt – may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01/01/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương...
Thứ ba, bổ sung vào diện đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao nhất (thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo) đối với dự án sản xuất có quy mô lớn. Theo đó, dự án sản xuất có quy mô lớn được hưởng ưu đãi thuế là dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ ngày được cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư... Trường hợp dự án quy mô lớn đáp ứng thêm một trong các tiêu chí về doanh thu, về số lao động sử dụng hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng kinh tế kỹ thuật theo quy định của Chính phủ thì được xem xét kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% thêm 15 năm.
Thứ tư, bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế khi pháp luật về thuế TNDN có sự thay đổi. Theo đó, DN có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp luật về thuế TNDN tại thời điểm cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp pháp luật về thuế TNDN có thay đổi mà DN đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung thì DN được quyền lựa chọn hưởng ưu đãi về thuế suất và về thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của pháp luật tại thời điểm được phép đầu tư hoặc theo quy định của pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung cho thời gian còn lại kể từ khi pháp luật thuế TNDN sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành. Điển hình như:
(i) DN có dự án đầu tư mở rộng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư hoặc đã thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2009 - 2013, tính đến hết kỳ tính thuế năm 2014 đáp ứng điều kiện ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 32/2013/QH13 thì được hưởng ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng theo quy định của Nghị định 12/2015/NĐ-CP cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2015.
(ii) DN có dự án đầu tư vào địa bàn được chuyển đổi thành địa bàn ưu đãi thuế sau ngày 01/01/2015 thì được hưởng ưu đãi thuế cho thời gian còn lại kể từ khi chuyển đổi…
Thứ năm, bổ sung nguyên tắc về thu thuế TNDN đối với trường hợp DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhằm khuyến khích hợp lý đầu tư ra nước ngoài chuyển thu nhập về Việt Nam.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm khắc phục bất cập của các quy định hiện hành. Điển hình như: Bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, ngành, địa phương được thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ... và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc quyết định được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; bãi bỏ quy định khống chế tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN đối với chi quản cáo, khuyến mại của DN...
Thuế giá trị gia tăng
Thứ nhất, bổ sung vào diện đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ, chuyển 3 nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế là: Phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, bổ sung quy định về giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân: Là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng (nếu có)…
Thứ ba, bổ sung quy định không áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0% đối với thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu. Quy định này, góp phần ngăn chặn việc gian lận hoàn thuế đối với đối với thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau xuất khẩu.
Thứ tư, bổ sung quy định cơ sở kinh doanh trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng phải giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động chưa phát sinh thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì chưa phải điều chỉnh lại số thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ hoặc đã được hoàn. Việc kê khai, tính nộp thuế trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư, bán tài sản của dự án đầu tư hoặc chuyển đổi mục đích sản xuất, kinh doanh của dự án đầu tư thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính…
Thuế thu nhập cá nhân
Thứ nhất, bổ sung thu nhập thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với: Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; Thu nhập của cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu có được từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.
Thứ hai, quy định mới về thuế đối với cá nhân kinh doanh: Thực tế cho thấy công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nói chung là phức tạp, tiêu tốn nhân lực nhưng không hiệu quả. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cải cách thủ tục hành chính, Luật số 71/2015/QH13 đã sửa đổi quy định về thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Theo đó, quy định cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN theo tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu tương ứng với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết mức thuế (%) cụ thể đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Quy định này đảm bảo đơn giản, minh bạch, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hộ, cá nhân kinh doanh tự xác định được mức thuế của mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho người nộp.
Thứ ba, về thuế với chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân: Căn cứ theo Luật số 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP thì cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo mức 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần. Quy định này cho phép đảm bảo minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách về thủ tục hành chính.
Thứ tư, về thuế với chuyển nhượng bất động sản của cá nhân: Quy định cá nhân chuyển nhượng bất động sản nộp thuế theo mức 2% trên giá chuyển nhượng từng lần. Trong đó, giá chuyển nhượng bất động sản là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng. Căn cứ quy định của Luật số 71/2014/QH13, Nghị định 12/2015/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung nội dung về thuế đối với chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, quy định cá nhân chuyển nhượng bất động sản nộp thuế 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng. Quy định này cho phép đảm bảo minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và góp phần cải cách thủ tục hành chính.
Quy định thời điểm tính thuế từ chuyển nhượng bất động sản là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực theo quy định của pháp luật (nếu hợp đồng chuyển nhượng không có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán) hoặc là thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu trong hợp đồng chuyển nhượng có thỏa thuận bên mua là người nộp thuế thay cho bên bán). Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thời điểm tính thuế như nêu trên cho phép khắc phục được vướng mắc phát sinh trong trường hợp việc chuyển nhượng bất động sản diễn ra mà thời điểm chuyển nhượng với thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản có khoảng cách xa về thời gian, dẫn đến khả năng cá nhân là người mua bị phạt chậm nộp nếu phải tính thuế từ thời điểm chuyển nhượng.
Thứ năm, Luật số 71/2014/QH13 bãi bỏ việc thu thuế TNCN đối với thu nhập từ trúng thưởng trong casino tại Khoản 6 Điều 3 Luật số 04/2007/QH12; Đồng thời điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với kinh doanh casino từ 30% hiện nay lên mức 35% quy định tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13 và giao Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế giám sát, quản lý trực tiếp doanh số và quy định về tỷ lệ ấn định tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu đối với cơ sở kinh doanh casino...
Thuế tài nguyên
Thứ nhất, bổ sung vào diện đối tượng không thu thuế tài nguyên đối với: Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất, dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; Nước biển để làm mát máy (nếu đáp ứng điều kiện đảm bảo các yêu cầu về môi trường, về hiệu quả sử dụng nước tuần hoàn và điều kiện kinh tế kỹ thuật chuyên ngành); Yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.
Thứ hai, quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu, không bao gồm thuế xuất khẩu:
- Trường hợp tài nguyên khai thác vừa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu thì: Đối với sản lượng tài nguyên tiêu thụ nội địa là giá bán đơn vị tài nguyên khai thác chưa bao gồm thuế GTGT; Đối với sản lượng tài nguyên xuất khẩu là trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu, không bao gồm thuế xuất khẩu. Trị giá hải quan của tài nguyên khai thác xuất khẩu thực hiện theo quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu tại Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì giá tính thuế tài nguyên khai thác được xác định căn cứ vào trị giá hải quan của sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến xuất khẩu hoặc giá bán sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và các chi phí có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu xuất khẩu hoặc từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bán tại thị trường trong nước.
Căn cứ giá tính thuế tài nguyên đã xác định để áp dụng sản lượng tính thuế đối với đơn vị tài nguyên tương ứng. Giá tính thuế đối với tài nguyên khai thác được xác định ở khâu nào thì sản lượng tính thuế tài nguyên áp dụng tại khâu đó.
Thứ ba, bổ sung nguyên tắc để UBND cấp tỉnh xác định giá tính thuế tài nguyên. Nghị định 12/2015/NĐ-CP nêu rõ: Trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì giá tính thuế tài nguyên khai thác được xác định căn cứ vào trị giá hải quan của sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến xuất khẩu hoặc giá bán sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và các chi phí có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu xuất khẩu hoặc từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bán tại thị trường trong nước.
Căn cứ giá tính thuế tài nguyên đã xác định để áp dụng sản lượng tính thuế đối với đơn vị tài nguyên tương ứng. Giá tính thuế đối với tài nguyên khai thác được xác định ở khâu nào thì sản lượng tính thuế tài nguyên áp dụng tại khâu đó.
Quản lý thuế
Thứ nhất, bổ sung quy định người nộp thuế không phải nộp các chứng từ trong hồ sơ khai, nộp thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ thuế khác mà cơ quan quản lý nhà nước đã có.
Thứ hai, quy định hồ sơ khai các loại thuế của DN (thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên...) chỉ gồm tờ khai thuế.
Thứ ba, bổ sung quy định về tỷ giá tính thuế khi chuyển đổi đồng tiền nộp thuế từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam. Việc quy định tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh sẽ đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khắc phục những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho người nộp thuế giảm chi phí quản lý và không ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước.
Thứ tư, quy định xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, trong đó quy định rõ người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Số thuế thiếu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra hoặc do người nộp thuế tự phát hiện từ ngày 1/1/2015 tiền chậm nộp được áp dụng theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Đồng thời, bãi bỏ mức phạt chậm nộp 0,07% hiện hành.
Thứ năm, bổ sung quy định về kéo dài gia hạn nộp thuế không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu có chu kỳ sản xuất, dự trữ dài hơn 275 ngày hoặc do phía khách hàng hủy hợp đồng hoặc kéo dài thời gian giao hàng không có khả năng nộp thuế đúng hạn.
Thứ sáu, quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế bằng văn bản khi người nộp thuế có yêu cầu.
Thứ bảy, quy định về trách nhiệm của người khai thuế và nộp thuế điện tử. Cụ thể: Người nộp thuế là tổ chức kinh doanh phải sử dụng các dịch vụ điện tử do cơ quan thuế cung cấp (đăng ký thuế, khai, nộp thuế, tra cứu và gửi thông tin về thuế) trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Bộ Tài chính; Người nộp thuế kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, siêu thị và một số dịch vụ khác có sử dụng hệ thống máy tính tiền, hệ thống cài đặt phần mềm bán hàng để thanh toán, thì phải thực hiện kết nối với cơ quan thuế để gửi thông tin cho cơ quan thuế theo lộ trình triển khai của cơ quan thuế; Người nộp thuế thuộc trường hợp cơ quan thuế cần quản lý doanh thu, phải lập hóa đơn điện tử và gửi thông tin trên hóa đơn bằng phương thức điện tử cho cơ quan thuế để nhận mã xác thực hóa đơn từ cơ quan thuế...