Tăng thuế VAT: Không có sự lựa chọn nào chỉ có ưu điểm!
Cần có cái nhìn tổng quát và công bằng về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế lần này. Không nên nhìn nhận rằng, Bộ Tài chính chỉ đề xuất tăng thuế nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách sách, không quan tâm gì đến những tác động đến sản xuất và đời sống.
Đó là nhận định của PGS., TS. Lê Xuân Trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 Luật thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội.
Khẳng định vấn đề trên, PSG., TS. Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính nhấn mạnh: Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế này là hợp lý, cần thiết, phù hợp thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Lý giải thêm quan điểm của mình, PGS. Lê Xuân Trường cho rằng, mọi sự lựa chọn chính sách đều có hai mặt – được và mất. Không có sự lựa chọn nào chỉ có ưu điểm mà không có hạn chế. Khi đã lựa chọn là phải chấp nhận cả những mặt được và những mặt chưa được và cần cân nhắc tổng thể để đạt lợi ích tổng thể tốt nhất.
Để nâng cao mọi mặt của đời sống nhân dân thì có nhiều việc, trong đó có giảm nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, muốn giảm nghĩa vụ thuế thì phải giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN), nếu không sẽ dẫn đến thâm hụt NSNN, tăng nợ công… mà hậu quả của nó là ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Như vậy, câu chuyện về thuế không chỉ đơn thuần câu chuyện về thuế mà là nhiều vấn đề khác như: nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước; tinh giản biên chế; quản lý chi tiêu NSNN tiết kiệm và hiệu quả; chống tham nhũng hiệu quả…Bên cạnh đó, do tác động của thuế là tác động dây chuyền và phức tạp phụ thuộc vào nhiều biến số kinh tế vĩ mô nên mọi sự điều chỉnh về thuế (mở rộng hay thu hẹp phạm vi điều chỉnh; tăng thuế suất; điều chỉnh ưu đãi thuế…) cần thực hiện điều tra để lấy số liệu thực tế đánh giá một cách khoa học, dự báo có cơ sở khoa học và thực tiễn làm căn cứ quyết định chính sách.
Theo giải trình của Bộ Tài chính tại Báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung một số luật thuế năm 2017 thì đề xuất tăng thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 12% xuất phát từ hai lý do.
Một là, để cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng thuế tiêu dùng và giảm thuế thu nhập để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Hai là, để phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế suất thuế GTGT.
Theo Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Như vậy, thuế suất thuế GTGT của Việt Nam hiện vẫn đang ở mức thấp so với các nước.
Cùng với đó, chúng ta nên nhìn nhận đề xuất tăng thuế GTGT trong tổng thể các đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế. Theo đó, rất nhiều đề xuất khác nhằm giảm nghĩa vụ thuế và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh như: Giảm thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 20% xuống 17%; Cho phép bù trừ lãi của hoạt động chuyển nhượng bất động sản với các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác; Cho phép hoàn thuế đối với trường hợp lũy kế thuế đầu vào chưa khấu trừ hết từ 12 tháng hoặc 4 quý trở lên; Chuyển sang áp dụng thuế suất 0% và hoàn thuế đối với sản phẩm sản xuất từ tài nguyên, khoáng sản mà tổng giá trị tài nguyên và chi phí năng lượng chiếm từ 51% trở lên…
Như vậy, cần có cái nhìn tổng quát và công bằng về đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế lần này. Không nên nhìn nhận rằng, Bộ Tài chính chỉ đề xuất tăng thuế nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách, không quan tâm gì đến những tác động đến sản xuất và đời sống.
Thêm vào đó, cũng cần nhìn nhận đề xuất tăng thuế suất thuế GTGT trong bối cảnh Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ thực hiện hàng loạt các biện pháp kiểm soát chi tiêu công và tiết kiệm ngân sách, chẳng hạn như: Khoán xe công, tăng cường tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công, quản lý chặt chẽ đầu tư công…