Tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp - chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước

Bích Ngọc

Trên chặng đường gần 40 năm đổi mới, với sự kiên cường và bứt phá, Đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng của một nước kém phát triển, vươn lên là một nước phát triển trung bình thấp cùng nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội. Trên hành trình đó, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách với hàng loạt các văn bản Luật được ban hành, sửa đổi để cởi trói những nút thắt, điểm nghẽn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Trong đó, năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử Hiến pháp của nước ta, các quy định về quyền kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân được hiến định đầy đủ, toàn diện. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân tổ chức khác đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hoá”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hiến pháp của nước ta, các quy định về quyền kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân được hiến định đầy đủ, toàn diện và cũng là dấu mốc quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vượt qua bao khó khăn và phát triển lớn mạnh, thể hiện vai trò "xương sống" trong nền kinh tế.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, Đảng và Nhà nước cũng có chính sách mang tính quyết sách, là kim chỉ nam định hướng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp. Đó là Nghị quyết số 68/NĐ-CP ngày 12/5/2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội, để có những cánh chim đầu đàn dẫn dắt nền kinh tế. Hay Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới, để đội ngũ doanh nhân Việt Nam thực hiện sứ mệnh, trọng trách Đảng và Nhà nước giao là xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, đủ lực tạo dựng vị thế trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, doanh nghiệp cũng được quan tâm phát triển với các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế… trong chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, có những “đầu tàu” dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và đủ năng lực cạnh tranh quốc tế.

Với quan điểm “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, nhằm khơi thông các điểm nghẽn, rào cản và tạo sự hứng khởi, niềm tin và môi trường thông thoáng, hấp dẫn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Đặc biệt, nhìn lại từ năm 2000 trở lại đây, đại dịch COVID-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trước sức ép lớn đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã là những “người bạn lớn” đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức.

Hàng năm, Chính phủ ban hàng hàng loạt các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sớm quay trở lại quỹ đạo phát triển. Điển hình như Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương…

Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách được đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh; đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong tình hình mới. Đơn cử như Bộ Tài chính đã triển khai nhanh, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ; thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Chính phủ liên tục chỉ đạo ngành Ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, giúp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu… Điển hình như năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sức khỏe. Ngân hàng Nhà nước đồng thời chủ động triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế vĩ mô.

Bộ Công Thương cũng có các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp củng cố các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, tiềm năng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu; kịp thời thông tin, cảnh báo, chủ động hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó với kiện phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới của nước đối tác xuất khẩu.

Tháng 9/2024, siêu bão lịch sử Yagi càn quét miền Bắc, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất và hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ. Chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra và nhanh chóng ổn sản xuất kinh doanh.

Để trợ lực cho nền kinh tế nói chung và tạo lực kéo cho doanh nghiệp trong nước nói riêng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi vượt trội về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu nhằm thu hút các dự án FDI, đặt biệt là các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả bằng việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết; tăng cường thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng thường xuyên chủ trì nhiều hội nghị đối thoại chuyên đề với doanh nghiệp để lắng nghe và kịp thời có các chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sắp tới đây, nhiều văn bản luật khác cũng sẽ được sửa đổi theo hướng đổi mới thực chất các chính sách; quy trình, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp như: Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 của Cục Thống kê, tính đến thời điểm 31/12/2023, cả nước có 921,4 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng ấn tượng gần 22 lần so với năm 2000 (42,3 nghìn doanh nghiệp). Trong kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, doanh nghiệp được xác định là chủ thể đưa đất nước trở nên thịnh vượng, giàu mạnh, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.

2025 là năm bản lề để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc mà ở đó doanh nghiệp được xác định là chủ thể đưa đất nước trở nên thịnh vượng, giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Do đó, kết quả Điều tra Doanh nghiệp năm 2025 của ngành Thống kê sẽ là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp tục lớn mạnh, vững tin hội nhập, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và hoàn thành sứ mệnh trong kỷ nguyên mới.