Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh:

Tiết kiệm nhiều tỷ đồng từ Văn phòng điện tử

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Chỉ với chi phí đầu tư chưa đến 3 tỷ đồng, ứng dụng Văn phòng điện tử được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh triển khai đã giúp công tác quản lý thuế của đơn vị nhanh và hiệu quả hơn hẳn, nhất là trong khâu xử lý thông tin yêu cầu từ phía người nộp thuế, từ phía doanh nghiệp.

Cán bộ Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp về thuế điện tử.
Cán bộ Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cho doanh nghiệp về thuế điện tử.

Trong cái gấp gáp của áp lực công việc giai đoạn cuối năm, tôi chọn đề tài cải cách thủ tục hành chính tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh để viết trên tờ báo xuân 2017. Cải cách thủ tục hành chính đang là vấn đề “nóng” trong toàn ngành Thuế, theo hướng phục vụ người nộp thuế, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Thêm vào đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh lại luôn là đơn vị đi đầu của ngành Thuế cả nước trong lĩnh vực này. Hầu hết các chủ trương, chính sách, các chương trình cải cách thủ tục hành chính thuế, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý của ngành Thuế đều được triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh trước khi áp dụng đại trà. Các chương trình cải cách này đều được Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện tốt, kết quả mang lại đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Qua tìm hiểu tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tôi được ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2016, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách hành chính theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ; song song đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm nâng cao công tác quản lý điều hành, tăng cường giao dịch và tương tác với các tổ chức, cá nhân nộp thuế; giảm thời gian làm thủ tục kê khai, nộp thuế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN)… Các giải pháp đều hướng đến mục đích tạo niềm tin cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn

Kết quả, trong 11 tháng năm 2016, số hồ sơ thủ tục hành chính Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết chiếm tỷ lệ 99,37% trên tổng số hồ sơ. Số lượng DN đăng ký nộp thuế điện tử đạt 98,33% số DN đang hoạt động, số DN kê khai thuế qua mạng internet đạt 99,97%. Số DN đăng ký phát hành và đã xuất hóa đơn điện tử là 114 DN với tổng doanh thu 11.968 tỷ đồng, tổng số thuế 346 tỷ đồng.



Tiết kiệm nhiều tỷ đồng từ Văn phòng điện tử - Ảnh 1

Ông Mai Văn Quang


Đơn vị cũng đã triển khai ủy nhiệm thu thuế tại 6 chi cục thuế quận huyện với tổng số tiền thu 64,5 tỷ đồng, đạt 27,33% trên tổng số thu từ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.

Ông Dương Thế Quang, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho hay, một ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vừa được đơn vị triển khai đại trà đã đem lại hiệu quả rất mạnh cả trong vận hành nội bộ lẫn trong xử lý thông tin cho người nộp thuế. Đó là ứng dụng văn phòng điện tử (VPĐT), vừa giúp lãnh đạo Thuế xử lý nhanh công việc bất kỳ lúc nào, giúp xử lý yêu cầu của người nộp thuế nhanh gấp bội, đồng thời tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chiphí mấy chục tỷ đồng so với trước khi triển khai. Đây chính là điểm sáng trong cải cách thủ tục hành chính của Cục Thuế thành phố.

Chia sẻ thông tin về ứng dụng VPĐT, ông Mai Văn Quang, Trưởng Phòng Tin học cho biết, xuất phát từ thực trạng có tới 24 chi cục thuế, với hơn 240 đội và hơn 4.000 cán bộ công chức, mỗi năm Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phải in ra ít nhất 240 bản giấy, tức là có trên 10.000 văn bản gửi đến 24 chi cục; đồng thời việc vận chuyển văn bản giấy có thể mất từ 1 buổi đến 2 ngày hoặc hơn, gây tốn kém sức lực, thời gian, vật chất, đặc biệt là các văn bản khẩn... Cục Thuế thành phố đã

quyết định thay thế phương thức văn phòng truyền thống thành văn phòng điện tử, tức là văn phòng không có hoặc có rất ít giấy.

Tháng 3/2012, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh bắt đầu vận hành thí điểm VPĐT và đến giữa tháng 6/2015 thì vận hành chính thức tại tất cả các phòng và các chi cục trực thuộc. Ứng dụng này cho phép gửi - nhận công văn, xử lý công việc, điều hành, thống kê báo cáo và lưu trữ dữ liệu trên hệ thống một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó là nhiều tiện ích khác như thông báo nội bộ; kết nối với các cơ quan ban ngành; kết nối tiếp nhận văn bản của người nộp thuế gửi qua mạng; chuyển và xử lý các văn bản xác minh hóa đơn... “Tất cả đều dễ dàng thực hiện trên máy tính, điện thoại thông minh và ở bất cứ nơi đâu cũng xử lý được công việc. Vốn đầu tư chỉ khoảng 3 tỷ đồng nhưng hiệu quả mang lại thì không thể kể hết được:. Ông Mai Văn Quang cho biết.