Vì sao nợ thuế tại TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh?
Nhờ áp dụng nhiều giải pháp tích cực và quyết liệt trong thu hồi và xử lý nợ thuế nên sau 9 tháng, tình hình nợ đọng thuế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã giảm mạnh, với số tuyệt đối là giảm hơn 2.476 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Báo cáo nhanh công tác thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2016 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tổng số nợ thuế tính đến thời điểm 30/9/2016 là 10.008 tỷ đồng, giảm 19,83% so với nợ thuế tại thời điểm 31/12/2015, tương đương mức giảm 2.476 tỷ đồng; trong đó các khoản nợ chắc chắn sẽ thu 3.822 tỷ đồng, bao gồm: các khoản thu từ đất là 1.562 tỷ đồng; tiền chậm nộp là 1.985 tỷ đồng; tiền phạt vi phạm hành chính là 335 tỷ đồng. Như vậy, số nợ có khả năng đôn đốc thu tiếp là 6.126 tỷ đồng.
Về kết quả thu nợ thuế của năm 2015 chuyển sang năm 2016, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thu được 8.745 tỷ đồng, trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ 5.308 tỷ đồng và thu bằng biện pháp cưỡng chế 3.437 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho hay, do công tác quản lý thu nợ thuế đã được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhiệm vụ thu ngân sách năm 2016 nên Cục Thuế đã tích cực bám sát chỉ đạo của UBND thành phố, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế ngay từ đầu năm như tăng cường rà soát, theo dõi, quản lý số thuế nợ, phân loại nợ đúng tiêu thức, triển khai các biện pháp thu nợ, xử lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đúng quy định và quy trình hướng dẫn.
Theo ông Tâm, bên cạnh việc giao chỉ tiêu thu nợ cho các đơn vị, Cục Thuế còn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người nộp thuế về chính sách nhằm giúp người nộp thuế tự giác kê khai, nộp thuế đúng hạn, đồng thời, công khai các DN có số nợ thuế lớn, cố tình chây ỳ, các biện pháp cưỡng chế trên báo, đài…
Năm nay, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nợ thuế không vượt quá 5% tổng thu ngân sách trên địa bàn và phấn đấu thu nợ đạt tối thiểu 97% số nợ thuế trên dưới 90 ngày của năm 2015 chuyển sang. Để đạt được mục tiêu này, ông Tâm cũng chia sẻ một loạt các giải pháp trong các tháng còn lại của năm như xây dựng kế hoạch và tăng cường biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ thuế theo quy định.
Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng triển khai đồng bộ các giải pháp như rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân tích cụ thể từng khoản nợ thuế, thường xuyên đối chiếu nợ nhằm hạn chế nợ sai, nợ chờ xử lý; vận động các DN có nợ thuế lớn, kéo dài nộp thuế nếu không sẽ công bố thông tin nợ thuế lên báo đài đồng thời thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
“Song song đó, Cục Thuế cũng sẽ phối hợp với chính quyền tại các quận huyện, các cơ quan chức năng có liên quan để thông tin cho các Chi cục Thuế theo dõi, đôn đốc thu các dự án giao đất, cho thuê đất trên địa bàn; cập nhật kịp thời, đầy đủ các khoản nợ từ đất vào chương trình Quản lý thuế tập trung của ngành (TMS) và đẩy nhanh việc hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ thuế… theo đúng quy định”, ông Tâm nói.