Yếu tố cộng hưởng giúp ngành Hải quan sắp cán đích thu ngân sách nhà nước
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2022 do ngành Hải quan quản lý ước đạt 328.832 tỷ đồng, bằng 93,4% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số tích cực để ngành Hải quan sớm cán đích thu NSNN năm 2022 theo chỉ tiêu được giao.
“Điểm danh” các đơn vị đạt số thu ngân sách lớn
Năm 2022, ngành Hải quan triển khai nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với đó nhiều cửa khẩu đường bộ vẫn chưa hoạt động trở lại sau dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, ngay từ những tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các đơn vị trong Ngành chủ động triển khai các giải pháp thu NSNN, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.
Hiện thực hóa các giải pháp đã đề ra, đến hết tháng 9/2022, thu NSNN của nhiều Cục Hải quan địa phương đạt kết quả khả quan. Đứng đầu là Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thu đạt 104.264 tỷ đồng, bằng 89,50% dự toán được giao, bằng 87,25% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 20,82% so với cùng kỳ năm 2021.
Xếp thứ hai là Cục Hải quan Hải Phòng, thu đạt 58.098 tỷ đồng, bằng 91,31% dự toán được giao, bằng 86,65% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 20,59% so với cùng kỳ năm 2021.
Tiếp theo là Cục Hải quan Hà Nội thu đạt 24.394 tỷ đồng, bằng 88,97% dự toán được giao, bằng 86,81% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 19,64% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Hải quan Đồng Nai cũng thu đạt 18.563 tỷ đồng, bằng 104,28% dự toán được giao, bằng 91,13% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,73% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Hải quan Thanh Hóa số thu đạt 15.369 tỷ đồng, bằng 153,69% dự toán được giao, tăng 64,59% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng số thu từ mặt hàng dầu thô là hơn 12.253 tỷ đồng, chiếm 82,9% tổng số thu nộp ngân sách của đơn vị. Các mặt hàng nhập khẩu khác đạt gần 2.326,6 tỷ đồng, chiếm 15,8% tổng số thu nộp ngân sách của đơn vị.
Bên cạnh các đơn vị trên, các Cục Hải quan khác cũng đạt kết quả thu NSNN khả quan như: Cục Hải quan Bình Dương thu đạt 11.217 tỷ đồng, bằng 85,49% dự toán, tăng 1,35% so với cùng kỳ năm 2021. Cục Hải quan Quảng Ninh thu đạt 11.281 tỷ đồng, bằng 104,94% dự toán, tăng 61,26% so với cùng kỳ năm 2021. Cục Hải quan Bắc Ninh thu đạt 9.647 tỷ đồng, bằng 87,70% dự toán, tăng 10,90% so với cùng kỳ năm 2021. Cục Hải quan Quảng Ngãi thu đạt 9.010 tỷ đồng, bằng 120,13% dự toán, tăng 28,57% so với cùng kỳ năm 2021...
Yếu tố cộng hưởng “thúc” tăng thu ngân sách
Kết quả thu NSNN khả quan của các đơn vị trên đã góp phần vào kết quả của ngành Hải quan. Cụ thể, 9 tháng năm 2022, ngành Hải quan thu NSNN ước đạt 328.832 tỷ đồng, bằng 93,4% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Con số tích cực thu NSNN của ngành Hải quan trong 9 tháng qua là do những yếu tố cộng hưởng sau:
Một là, các mặt hàng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tăng mạnh gồm: Xăng, dầu, sắt thép các loại và sản phẩm từ sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị phục vụ dự án công trình.
Hai là, cơ quan hải quan triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa nhanh chóng. Đồng thời, tăng cường quan hệ hợp tác giữa cơ quan hải quan với cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hội nghị đối thoại để giải đáp vướng mắc và phổ biến văn bản pháp luật mới. Qua đó, cơ quan hải quan lắng nghe, kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ba là, cơ quan hải quan tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng đưa ra đề xuất, kiến nghị các giải pháp chống thất thu NSNN, các biện pháp thu hồi nợ thuế để đảm bảo hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao.
Tận dụng các yếu tố cộng hưởng trên, thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu; triển khai các giải pháp thu hồi nợ thuế, chống thất thu NSNN... Tin tưởng rằng, hiệu ứng tích cực từ các giải pháp này giúp ngành Hải quan sớm cán đích nhiệm vụ thu NSNN và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.