Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương


Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bố ngân sách Nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động, tích cực của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là cơ chế, chính sách nuôi dưỡng nguồn thu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng năm 2021 đạt 40,5% dự toán

Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021 của Chính phủ Chính phủ thống nhất đánh giá, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục phục hồi và đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 0,89%, thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững.

Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 40,5% dự toán năm, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020; đã gia hạn thời hạn nộp thuế với số tiền khoảng 24.000 tỷ đồng theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép bố trí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vắc xin...

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong hành động.

Đồng thời, tập trung rà soát, có biện pháp kịp thời, hiệu lực tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực hiệu quả phục vụ phát triển đất nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh.  Tích cực chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch.

Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bố ngân sách nhà nước

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi ngân sách nhà nước, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh việc thu ngân sách ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là từ các nguồn thu bền vững, ổn định.

Bộ Tài chính xây dựng Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bố ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động, tích cực của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là cơ chế, chính sách nuôi dưỡng nguồn thu, báo cáo Thường trực Chính phủ và Chính phủ.

Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là hiện tượng tăng giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời gian qua, kịp thời đề xuất biện pháp để bảo đảm kiểm soát lạm phát.

Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 các dự án luật sửa đổi, bổ sung luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt; nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các chuẩn mực kế toán, kiểm toán phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, sát với thực tế Việt Nam.

Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và các cơ quan, địa phương nhằm tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 01/01/2021, số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021 và các nghị quyết khác của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.