Áp dụng quản lý rủi ro thuế: Những vướng mắc và giải pháp tháo gỡ
Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là một yêu cầu tất yếu của quản lý thuế hiện đại. Việt Nam đang trong giai đoạn đầu áp dụng quản lý rủi ro. Bài viết phân tích những kết quả đạt được trong công tác quản lý rủi ro của cơ quan thuế trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra các vướng mắc phát sinh khi áp dụng quản lý rủi ro thuế. Từ đó, các giải pháp trọng tâm được đề xuất như hoàn thiện các tiêu chí đánh giá rủi ro, bổ sung hoạt động đánh giá quản lý rủi ro trong quy trình quản lý rủi ro, chú trọng công tác xây dựng cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý thuế.
Những kết quả trong công tác quản lý rủi ro thuế
Từ năm 2011, ngành Thuế bắt đầu triển khai thí điểm quản lý rủi ro (QLRR) trong quản lý thuế, tính đến nay, sau 6 năm triển khai quy trình QLRR trong ngành Thuế, công tác này đã đạt được một số kết quả sau:
- Về nhận diện rủi ro: Cơ quan thuế đã xây dựng được bộ chỉ tiêu về mức độ tuân thủ thuế của doanh nghiệp (DN). Mức độ tuân thủ thuế được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1: DN tuân thủ pháp luật thuế tốt (sử dụng 9 tiêu chí và 15 chỉ số để đánh giá); Nhóm 2: DN tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ thấp (sử dụng 10 tiêu chí và 10 chỉ số để đánh giá); Nhóm 3: DN tuân thủ pháp luật thuế ở mức độ trung bình (Các DN không thuộc một trong hai nhóm trên).
- Về phân tích rủi ro: Nhờ sử dụng và khai thác triệt để thông tin từ kho dữ liệu điện tử, năm 2016, cơ quan thuế xác định có hơn 40.000 DN có dấu hiệu rủi ro về dữ liệu khai thuế. Trong đó, có hơn 3.000 DN chưa góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký nhưng phát sinh chi phí lãi vay tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế thu nhập DN (TNDN); Hơn 13.000 DN có dấu hiệu chưa kê khai đủ thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) căn cứ số chênh lệch giữa số tiền trả cho người lao động trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ và số tiền thu nhập chịu thuế DN kê khai trên quyết toán thuế TNCN; Hơn 7.000 DN có dấu hiệu kê khai hóa đơn bán ra không hợp lệ; Hơn 14.000 DN có dấu hiệu kê khai hóa đơn bán ra - mua vào là hóa đơn bất hợp pháp (Tổng cục Thuế, 2016).
- Về xếp hạng rủi ro: Cơ quan thuế tiến hành tính giá trị của từng tiêu chí, phân ngưỡng tiêu chí, cho điểm tiêu chí, đánh trọng số tiêu chí, từ đó tính tổng điểm của tất cả các tiêu chí và phân loại rủi ro NNT. Có 4 mức xếp hạng rủi ro là cao, vừa, thấp, rất thấp. Việc phân loại rủi ro đã được thực hiện từ năm 2014. Tính đến giữa năm 2017, tổng số DN được xếp loại rủi ro cao là hơn 14.000 DN, trong đó năm 2014 là 4.790 DN, năm 2015 có 5.485 DN, năm 2016 có 2.650 DN và nửa đầu năm năm 2017 có hơn 1.300 DN.
- Về xử lý rủi ro: Hiện nay, cơ quan thuế đang sử dụng khá nhiều biện pháp để khắc phục, hạn chế rủi ro về thuế như: Không cho phép các DN có rủi ro cao được tự in hóa đơn mà phải chuyển sang sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế, hàng tháng công khai danh sách DN nợ thuế, DN có rủi ro cao về thuế; Tăng cường hoạt động tuyên truyền hỗ trợ về thuế; Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các DN có rủi ro cao. Trong giai đoạn từ 2014 - 2016, số DN được thanh tra, kiểm tra khoảng 240.000 DN, số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra đạt trên 30.000 tỷ đồng...
Những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quản lý rủi ro về thuế
Bên cạnh những kết quả đạt được ở trên, trong quá trình triển khai QLRR trong quản lý thuế, cơ quan thuế các cấp cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, các tiêu chí và chỉ số đánh giá mức độ tuân thủ thuế của DN còn có những bất cập. Các tiêu chí chưa có sự tương thích giữa các văn bản ban hành. Ngoài ra, một số chỉ số để đánh giá DN tuân thủ thuế tốt chưa phù hợp (Ví dụ: Chỉ số 3,4,5 và 6 trong Dự thảo QLRR trong quản lý thuế). Các chỉ số này phản ánh tỷ lệ giữa số thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN phải nộp trên vốn chủ sở hữu hoặc doanh số. Các tiêu tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các DN cùng quy mô, cùng lĩnh vực đầu tư thì tốt.
Với DN xuất khẩu, mức thuế suất GTGT là 0%, nên thuế đầu ra bằng 0%. Đối với DN bán trong nước, thuế suất GTGT là 10% và thuế phải nộp lớn hơn rất nhiều so với DN xuất khẩu, vì vậy tỷ lệ thuế GTGT trên doanh số sẽ lớn hơn DN có cùng doanh số nhưng xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Tương tự, với thuế TNDN, không thể kết luận DN nộp thuế nhiều hơn là tuân thủ thuế tốt hơn, bởi vì có những DN đang trong giai đoạn hưởng ưu đãi thuế TNDN nên thuế phải nộp ít hơn mức trung bình.
Thứ hai, cơ quan chuyên trách thực hiện QLRR là Ban QLRR thuộc Tổng cục Thuế mới được thành lập nên còn hạn chế về nguồn lực và kỹ năng quản lý. Việc kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý thuế địa phương với Ban QLRR còn chưa thông suốt nên việc thực hiện đầy đủ các chức năng của Ban này khá khó khăn.
Thứ ba, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu để phân tích rủi ro còn hạn chế. Dữ liệu về ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của NNT chưa sát với ngành nghề hoạt động thực tế của DN. Một số thông tin quan trọng trong công tác quản lý giá chuyển nhượng như thông tin tài chính của công ty mẹ, công ty liên kết, thông tin ngành, mô hình sản xuất kinh doanh của NNT… chưa được cập nhật và lưu trữ vào cơ sở dữ liệu ngành Thuế.
Thứ tư, những hạn chế trong công tác đánh giá QLRR trong ngành Thuế. Hiện nay,Tổng cục Thuế chưa có một nghiên cứu bài bản, chuyên nghiệp nào nhằm đánh giá đúng mức công tác QLRR trong ngành Thuế.
Một số giải pháp tháo gỡ, khắc phục hạn chế
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác QLRR trong quản lý thuế, trong thời gian tới, cơ quan thuế các cấp xem xét, cân nhắc triển khai các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chí và chỉ số đánh giá mức độ tuân thủ thuế của DN. Bỏ các chỉ số 3, 4, 5 và 6 trong Dự thảo QLRR trong quản lý thuế. Khi xây dựng Bộ tiêu chí và chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với DN cần có sự tương thích với Bộ tiêu chí phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế, Bộ tiêu chí phân tích thông tin rủi ro NNT phục vụ công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế, Bộ tiêu chí và chỉ số phân tích thông tin đánh giá rủi ro NNT trong việc tạo, in, phát hành và sử dụng hóa đơn.
Thứ hai, bổ sung hoạt động đánh giá QLRR trong quy trình quản lý thuế. Giai đoạn này có thể diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Mô hình đánh giá công tác QLRR được thể hiện cụ thể ở hình 1.
Thứ ba, hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu. Để thực hiện tốt giải pháp này trước hết cần có sự tham gia tích cực của NNT, đặc biệt là hộ kinh doanh và DN liên kết. Đây là những đối tượng mà cơ quan thuế gặp khá nhiều khó khăn trong quản lý vì thiếu thông tin đầy đủ. Cán bộ thuế cũng cần cập nhật thường xuyên liên tục số lượng tờ khai phải nộp vào dữ liệu của Ngành, thông tin tài chính của công ty mẹ, công ty liên kết với NNT.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2015), Thông tư số 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng QLRR trong quản lý thuế;
3. Tổng cục Thuế, Báo cáo tổng kết nhiệm vụ công tác thuế qua các năm (2014-2016);
2.European Commision (2010), Compliance Risk Management Guide for tax administration.