Phát triển kinh tế tuần hoàn: Nhu cầu bức thiết cho phát triển bền vững


​Có thể thấy, từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, vấn đề về kinh tế tuần hoàn (KTTH) đặc biệt được quan tâm. Điều này đã được cụ thể hóa trong các nghị quyết chuyên ngành về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; về kinh tế tập thể; về tái cơ cấu nền kinh tế và cả Quy hoạch phát triển tổng thể của vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Mô hình trồng bắp sẽ góp phần tăng thêm giá trị nếu các phế phẩm thải ra được làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: K.T
Mô hình trồng bắp sẽ góp phần tăng thêm giá trị nếu các phế phẩm thải ra được làm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: K.T

Lãng phí tài nguyên

Với thực trạng biến đổi khí hậu phức tạp và cạn kiệt nguồn tài nguyên như hiện nay, việc phát huy, tái sử dụng nguồn tài nguyên theo hướng tuần hoàn không chỉ có ý nghĩa trong việc khai thác, tận dụng lại nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, mà còn góp phần giải quyết các thách thức do chính quá trình sản xuất gây ra như: lạm dụng tài nguyên, ô nhiễm môi trường và cả bài toán cho phát triển bền vững. Trong đó, sản xuất nông nghiệp được xác định là một trong những ngành đã và đang gây thất thoát, lãng phí tài nguyên nhiều nhất.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Tổng khối lượng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp cả nước thải ra hơn 156 triệu tấn. Trong đó, trên 88 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch thải ra từ cây trồng, quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành Chăn nuôi (chiếm 39,1%) và gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản. Chỉ tính riêng cây lúa, với hơn 42 triệu tấn thì có đến 60 triệu tấn phụ phẩm được thải ra, bao gồm: rơm, vỏ trấu, cám…

Qua nghiên cứu và thống kê từ các nhà khoa học và nhà kinh tế cho thấy, Việt Nam chưa tận dụng và khai thác, phát huy tốt các phế, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp. Bằng chứng là tỷ lệ thu gom phụ phẩm trong lĩnh vực trồng trọt mới đạt 52%, ngành Chăn nuôi khoảng 75%, lâm nghiệp 50,2% và thủy sản khoảng 90%.

Trong khi đó, nguồn phế phụ phẩm này cần được xem là “tài nguyên”, là đầu vào quan trọng và kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu tận dụng và khai thác tốt toàn bộ khối lượng phế phẩm thì sẽ đạt giá trị sản xuất nông nghiệp vô cùng lớn, tăng thêm từ 30 - 100%. Vậy nguồn “tài nguyên” được thải ra từ sản xuất nông nghiệp chạy đi đâu? Đó là đem đốt, hoặc thải trực tiếp ra môi trường, hay chỉ tận dụng lại một số ít để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Với cách xử lý này, đã gây tổn thất một lượng lớn chất hữu cơ và gây ô nhiễm môi trường.

Tái sử dụng và chế biến đầu, vỏ tôm thành thực phẩm dinh dưỡng cần được khuyến khích phát triển. Ảnh: K.T
Tái sử dụng và chế biến đầu, vỏ tôm thành thực phẩm dinh dưỡng cần được khuyến khích phát triển. Ảnh: K.T

Cần quy hoạch đa ngành

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học: Với một tỉnh giàu tiềm năng, thế mạnh như Bạc Liêu, việc tận dụng và khai thác tốt nguồn phế, phụ phẩm là rất quan trọng. Như trong cải tạo đất, thay vì sử dụng phân bón hóa học thì nên khuyến khuyến nông dân sử dụng phương pháp cày vùi. Đây là phương pháp nhanh nhất đối với xử lý phụ phẩm nông nghiệp, nhất là rơm, rạ. Việc cày vùi rơm, rạ sẽ giúp cho đồng đất bổ sung thêm chất hữu cơ và độ tơi xốp. Đồng thời, hạn chế tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường không khí và thoái hóa đất.

Hay trong lĩnh vực chăn nuôi, cần nhân rộng mô hình biogas để giúp doanh nghiệp, nông dân giảm chi phí đầu tư, góp phần cắt giảm giá thành sản xuất. Đó là lượng chất thải do vật nuôi thải ra mỗi ngày được thu gom và dẫn về xử lý tại bể chứa của mô hình biogas thông qua hệ thống ống được dẫn trực tiếp từ chuồng trại chăn nuôi đến bể chứa. Chất thải sẽ được xử lý bởi vi khuẩn, vi sinh vật hóa lỏng và xảy ra quá trình kỵ khí. Khi quá trình kỵ khí xảy ra sẽ tạo nên các loại khí sinh ra từ quá trình này. Cụ thể là khí gas sinh ra để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt…

Lâu nay, khi nói đến phát triển KTTH thì ngành quản lý và các địa phương chỉ mới quan tâm đến việc chuyển giao các mô hình hoặc quy trình sản xuất cho nông dân mà quên đi một giải pháp rất quan trọng - đó là KTTH phải gắn với quy hoạch sản xuất.

Bởi dù có mô hình sản xuất, có quy hoạch, nhưng quy hoạch ấy lại không gắn kết được với phát triển KTTH thì kết quả cho phát triển KTTH vẫn bằng 0, thậm chí đẩy nhiều mô hình KTTH vào cảnh phá sản. Cụ thể như mô hình trồng bắp ở các xã: Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây và Hưng Phú (huyện Phước Long) có tổng diện tích gieo trồng gần 200ha và mỗi vụ thải ra hàng trăm tấn phế phẩm. Song, tất cả những phế phẩm  này đã bị vứt bỏ, hoặc đốt đi thay vì tận dụng lại làm thức ăn cho trâu, bò.

Hiện nay, có một số doanh nghiệp đã áp dụng thử mô hình này, đó là tận dụng phế phẩm từ cây bắp làm thức ăn cho trâu bò, sau đó lấy phân trâu, bò nuôi trùng quế, rồi các chất thải và phân từ trùng quế thải ra sẽ làm phân sạch bán lại cho các hộ trồng bắp để sản xuất bắp sạch đạt chuẩn hàng OCOP. Song muốn phát triển mô hình KTTH này, vùng sản xuất bắp phải được gắn với quy hoạch vùng chăn nuôi.

Nghĩa là sau khi nông dân thu hoạch bắp xong thì các phế phẩm từ cây bắp sẽ được đưa ngay vào các trang trại chăn nuôi gần đó, thay vì các chủ trang trại phải thuê xe vận chuyển các phế phẩm này về trang trại chăn nuôi của mình sẽ làm tăng chi phí và mất thêm nhiều thời gian.

Từ thực tiễn trên cho thấy, khi xây dựng và phát triển các mô hình KTTH cần tính đến công tác quy hoạch theo hướng “tích hợp” đa ngành, nhằm tận dụng, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có của từng tiểu vùng sản xuất.

Một vấn đề quan trọng và có tính chiến lược lâu dài khác, đó là Bạc Liêu trong thực hiện mục tiêu trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp tôm cả nước sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức về ô nhiễm môi trường, nếu như không xây dựng được mô hình KTTH để hóa giải các nguy cơ này, cũng như tái sử dụng và khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn đó.

Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 145.000ha, cùng với 50 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu và ước tính khối lượng phụ phẩm thải ra từ chế biến tôm (đầu, vỏ tôm…) chiếm khoảng 35% trọng lượng con tôm. Do đó, khối lượng các phụ phẩm từ các nhà máy chế biến hằng năm là rất lớn, với hơn 82.250 tấn/năm.

Trong khi đó, tất cả các phụ, phế phẩm này nếu được tận dụng sẽ góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điển hình như Công ty Vietnamfood đã chiết xuất các chất dinh dưỡng từ đầu tôm, vỏ tôm thành những sản phẩm dinh dưỡng và thuốc tây y có giá trị kinh tế rất cao như: Chitosan, Peptide, Omega-3…

Từ những vấn đề đặt ra cho thấy, phát triển KTTT là việc cần làm ngay và thật sự trở thành nhu cầu bức thiết cho phát triển bền vững ở một tỉnh có thế mạnh kinh tế nông nghiệp như Bạc Liêu.

Theo Kim Trung/Báo Bạc Liêu