Hệ thống quản lý, cải tiến năng suất chất lượng đã được triển khai thành công tại doanh nghiệp Việt


Qua 10 năm triển khai Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng trên phạm vi toàn quốc, Chương trình đã đóng góp tích cực đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thay đổi một bước lớn về chất lượng. Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình, các doanh nghiệp được phổ biến, đào tạo, hướng dẫn trực tiếp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2011.
Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2011.

Trong 10 năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì thực hiện, phổ biến, đào tạo, hướng dẫn trực tiếp áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng với khoảng 15.000 lượt doanh nghiệp.

Các tổ chức, cơ quan hành chính nhà nước cũng tham gia hỗ trợ tích cực trong việc thúc đẩy phong trào bằng việc tiếp thu, ứng dụng các phương pháp, công cụ quản lý mới như ISO 9000 để đẩy mạnh chất lượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ được hỗ trợ xây dựng, triển khai các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng nhiều doanh nghiệp đã giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng...

Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh qua đó khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của nền kinh tế.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình cải tiến năng suất, chất lượng đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong doanh nghiệp. Nhiều hệ thống quản lý như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở nên quen thuộc với doanh nghiệp. Các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean, Lean 6 Sigma... đã được ứng dụng nhiều hơn.

Theo Ban điều hành Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng, trong thời gian tới, cần tập trung vào áp dụng một số hệ thống quản lý phù hợp với trình độ quản trị doanh nghiệp và đặc thù của các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể: Các hệ thống quản lý được tích hợp từ các hệ thống quản lý căn bản gồm hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý An toàn Thực phẩm (ISO 22000), hệ thống quản lý An toàn Thông tin (ISO 27000), hệ thống quản lý Năng lượng (ISO 50001), hệ thống quản lý Môi trường (ISO 14000), hệ thống quản lý Trách nhiệm xã hội (ISO 26000); hệ thống quản lý Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp (ISO 45001).

Đồng thời, áp dụng hệ thống quản lý tích hợp từ các hệ thống quản lý căn bản trên đã được trải nghiệm ở quy mô toàn cầu để thực hiện phương pháp quản lý có hệ thống đối với các quá trình trong tổ chức/doanh nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng một cách ổn định yêu cầu của khách hàng, đồng thời bảo đảm các quy định pháp luật về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn thông tin, và trách nhiệm xã hội.

Với các công cụ hỗ trợ của Lean đã được nghiên cứu trải nghiệm áp dụng như 5S, Bố trí mặt bằng (Layout), Duy trì hiệu suất tổng thể (TPM), Chuyển đổi nhanh (QC), Nghiên cứu thời gian và thao tác (TS-MS), Cân bằng chuyền (Heijunka), Sản xuất đúng lúc (Just in time), Bản đồ chuỗi giá trị (VSM), Hạnh toán chi phí dòng nguyên liệu (MFCA), các công cụ thống kê kiểm soát chất lượng… sẽ giúp cho công cụ Lean áp dụng một cách linh hoạt, có hiệu quả trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam còn tồn tại nhiều dạng lãng phí trong các quá trình sản xuất kinh doanh.

Áp dụng Mô hình nhóm huấn luyện (TWI), phương thức đào tạo nhân lực nòng cốt cho năng suất, chất lượng doanh nghiệp, nhất là đối với các DNVVN Việt Nam, còn chưa có hệ thống đào tạo bài bản nhân lực về các kỹ năng chỉ dẫn công việc, cải tiến phương pháp làm việc, giải quyết các mối quan hệ làm việc... Áp dụng công cụ Chỉ số hoạt động chính (KPI), cơ sở để đánh giá hiệu quả công việc, sự đóng góp của người lao động vào tăng trưởng của doanh nghiệp, thông qua đó gắn kết hoạt động nâng cao NSCL của doanh nghiệp với cơ chế khuyến khích người lao động tạo ra năng suất chất lượng...

Có thể kể đến Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ là một trong những mô hình doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình, có nhiều thành công từ việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong chăn nuôi gà đẻ trứng từ Nhật Bản, Mỹ, Israel cùng với áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất đã giúp công ty đã cho ra thị trường những sản phẩm trứng gà sạch mang thương hiệu Việt Nam có chất lượng cao, đảm bảo uy tín trên thị trường. Quy trình sản xuất của nhà máy được kiểm soát chặt chẽ, khép kín, tự động hóa từ khâu cung cấp thức ăn, nước uống, điều chỉnh khí hậu trong chuồng nuôi…đến đóng gói sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Tại Công ty Cổ phần Nam Dược áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể trong quá trình sản xuất dược phẩm, đã giúp doanh nghiệp này giảm 80% tỷ lệ vỡ viên thuốc, tăng hiệu suất thiết bị toàn phần từ 50% lên 60%. Hay tại Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2011, sử dụng nguyên liệu sinh khối biomass đun nóng dầu tản nhiệt để sấy cao-su thay thế dầu DO, FO giúp Công ty này tiết kiệm được hơn 1,3 tỷ đồng (năm 2015), 803 triệu đồng (năm 2016) và hơn 1,4 tỷ đồng (năm 2017).

Theo các chuyên gia đánh giá, sau 10 năm triển khai Chương trình quốc gia năng suất chất lượng,  Chương trình đã thực hiện nhiệm vụ nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng về năng suất và chất lượng; từng bước trang bị cơ sở hạ tầng cho hoạt động năng suất chất lượng, chuẩn bị cho “Giai đoạn Hành động” tiếp theo là đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp theo diện rộng, và tập trung vào nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chủ lực/trọng điểm của nền kinh tế; nâng cao năng suất chất lượng ngành.