Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp:

Giải pháp khuyến khích các trang trại chuyển đổi hoạt động thành doanh nghiệp

Lưu Ngọc Lương, Trần Đình Thao, Nguyễn Hữu Nhuần

Doanh nghiệp và trang trại đều là các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả được khuyến khích phát triển trong nông nghiệp, nông thôn. Mỗi mô hình đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia thì vai trò doanh nghiệp càng rõ nét, trong khi đó mô hình trang trại cũng bộc lộ những hạn chế. Bài báo phân tích thực trạng các chính sách khuyến khích phát phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; chính sách hỗ trợ và thực trạng phát triển mô hình trang trại, từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm khuyến khích các trang trại chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh sang loại hình doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Lực lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ngày càng tăng, đang dần trở thành đầu tầu dẫn dắt các hoạt động trong chuỗi giá trị nông sản, định hướng thị trường và góp phần quan trọng trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ trong nông nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, trước bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa nền kinh tế đang diễn ra sôi động thì doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò “bà đỡ” trong sản xuất nông nghiệp nước ta. Từ năm 2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đã nêu rõ: “Có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”. Từ đó, hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nông nghiệp đã được hình thành và sửa đổi nhiều lần (năm 2010, 2013 và 2018) nhưng kết quả không đạt được như mong đợi.

Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục có chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư và nông nghiệp, nông thôn (Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Do đó, ngoài việc kế thừa những điểm mạnh, hạn chế những bất cập trong quy định hiện hành, cần tìm hướng đi mới để nâng cao hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Trong khi đó, cũng như doanh nghiệp, mô hình sản xuất trang trại cũng được coi là loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tiên tiến, có quy mô lớn, hiệu quả cao trong nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam (so với bình quân của hộ sản xuất nông nghiệp). Loại hình trang trại đã bộc lộ những hạn chế so với doanh nghiệp nông nghiệp và có lợi thế nhất định khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua rà soát, chưa có giải pháp chính sách nào khuyến khích, hỗ trợ các trang trại chuyển đổi hoạt động sang loại hình doanh nghiệp.

Chính sách của Nhà nước đối với mô hình trang trại tại Việt Nam và thực trạng phát triển

Theo pháp luật về đầu tư, đối với ngành nông nghiệp là ngành nghề ưu đãi đầu tư nên các nhà đầu tư (bao gồm cả trang trại) cũng sẽ được hưởng các hỗ trợ và ưu đãi đầu tư.

Đối với các hộ kinh doanh, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, hộ kinh doanh sẽ nhận được một số hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt khi có nhu cầu mở rộng đầu tư, kinh doanh, chuyển đổi thành doanh nghiệp. Theo Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/1/2021 về đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Tuy trang trại là hộ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhưng không phải là hộ kinh doanh do hộ sản xuất nông nghiệp không phải đăng ký kinh doanh (khoản 2 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP). Do đó, trang trại không được hưởng các hỗ trợ như hộ kinh doanh.

Chính sách hỗ trợ riêng cho kinh tế trang trại đang thực hiện theo định hướng của Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại. Về hiệu lực pháp lý, hiện nay, các Nghị quyết của Chính phủ không còn thuộc hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước mà chỉ là văn bản chỉ đạo điều hành. Do đó, để thực hiện Nghị quyết các Bộ, ngành đã tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại theo Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP lồng ghép trong các chính sách hỗ trợ chung cho các đối tượng khác thông qua một số luật như: Luật Đất đai, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy lợi, Luật Bảo vệ môi trường số và các luật về thuế, các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Hiện nay, tiêu chí kinh tế trang trại được quy định cụ thể tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. So với kinh tế hộ, trang trại có quy mô sản xuất, quy mô đất đai lớn hơn, sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao, ít rủi ro hơn.

Thực tế cho thấy, kinh tế trang trại hiện nay đang phát triển theo hướng tích tụ, tập trung đất đai quy mô lớn, có khoảng 2.300 trang trại đã liên kết theo chuỗi giá trị và xuất hiện ngày càng nhiều trang trại đã tổ chức kết hợp các hoạt động du lịch và sản xuất phi nông nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp như: sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm; lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Tuy nhiên, hoạt động của trang trại còn nhiều hạn chế cụ thể là: Phần lớn các trang trại hiện nay phát triển còn mang tính tự phát, quy mô sản xuất (đất đai, lao động, vốn) của trang trại nhìn chung còn nhỏ; chất lượng lao động còn thấp, 97% lao động trong trang trại chưa qua đào tạo; năng lực quản trị, khả năng tài chính, hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật và quản lý của nhiều chủ trang trại còn hạn chế; số lượng trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao chưa nhiều (chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống); sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng chưa cao và không ổn định, chưa qua chế biến (bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống), chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch sản phẩm hàng hóa (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2022).

Đến hết năm 2021, cả nước có 18.945 trang trại (theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT), bao gồm: 3.471 trang trại trồng trọt, 11.807 trang trại chăn nuôi; 129 trang trại lâm nghiệp; 1.586 trang trại nuôi thủy sản; 1.952 tổng hợp. Quy mô diện tích đất bình quân 3,52 ha/trang trại, lao động thường xuyên 3,8 lao động/trang trại, giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh 2.430 triệu đồng/trang trại; giá trị sản xuất 3.513 triệu đồng/năm; thu nhập lao động thường xuyên đạt 4,9 triệu đồng/người/tháng (Tổng cục Thống kê, 2021).

Một số tồn tại hạn chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP

Theo hệ thống pháp luật về đầu tư của Việt Nam, nông nghiệp luôn thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư; các nhà đầu tư (bao gồm tổ chức và cá nhân) sẽ được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Nhà nước. Khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành năm 2017, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được nhận được một số hỗ trợ khác. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2014 quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị định, đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế:

- Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đều là các văn bản dưới luật nên sẽ khó có thể tạo đột phá do bị giới hạn tại khuôn khổ pháp lý do Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành quy định. Ngoài ra, các căn cứ pháp lý ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đã được điều chỉnh, sửa đổi gồm: Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020. Do đó, một số nội dung của Nghị định cụ thể hóa các quy định của các luật cũ sẽ không phù hợp với các luật sau khi được sửa đổi và mất hiệu lực.

- Một số nhiều điều khoản chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc hoặc chung nhất chưa thể áp dụng ngay vào thực tiễn nếu thiếu hướng dẫn của bộ, ngành và địa phương. Theo Điều 19 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, để triển khai Nghị định, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải ban hành: (i) Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại địa phương (trong đó quy định chính sách tín dụng; vốn cấp bù lãi suất; mức vốn ngân sách địa phương thực hiện chính sách); (ii) Cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thẩm quyền và các quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành: quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, có 40/63 địa phương ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; 15/63 địa phương ban hành danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; 15/63 địa phương ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; 10 địa phương ban hành định mức hỗ trợ chi tiết; số ít địa phương ban hành cơ chế ban hành chính sách thúc đẩy tập trung đất đai theo quy định của Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Sự chậm chễ này dẫn đến nhiều quy định của Nghị định chưa được triển khai tại một số địa phương.

- Một số quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP không khả thi trong thực tiễn hoặc chưa đồng bộ với các luật hiện hành như: Trình tự thực hiện quyết định chủ trương đầu tư của dự án còn có những cách hiểu khác nhau giữa quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; Quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với xây dựng nhà ở cho người lao động chưa rõ trình tự, thủ tục: “Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, cơ sở hạ tầng đi kèm (kho chứa, trụ sở, đường nội bộ, hệ thống xử lý chất thải)” nhưng lại kèm quy định: "Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng theo quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng" nên chưa giải quyết được vấn đề, tháo gỡ được các khó khăn cho doanh nghiệp; quy định tính tài sản thế chấp cho nhà lưới, nhà kính, nhà màng, công trình thủy lợi để vay vốn tại các ngân hàng thương mại là không khả thi vì các ngân hàng thương mại hoạt động theo thị trường, sẽ không chấp nhận khoản vay vì không thể thu hồi vốn từ các tài sản thế chấp này cụ thể là: “cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ đầu tư” không rõ trình tự, thủ tục.

- Các khó khăn về tích tụ đất đai chưa được giải quyết: Đất đai là tư liệu sản không thể thay thế trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp cần nhiều đất để tiến hành sản xuất kinh doanh. Với các hình thức canh tác mới, mức độ phụ thuộc vào đất đai của sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm xuống nhưng cơ bản vẫn là tư liệu quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định: “Ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thẩm quyền và các quy định của pháp luật” được giao cho địa phương là khó thực hiện do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ. Do đó, khởi sự kinh doanh, hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp khi chưa có diện tích đất đai đủ lớn (ít nhất là để làm trụ sở, nhà kho, xưởng chế biến) là rất khó khăn.

- Các chính sách tập trung vào hỗ trợ (bằng công trình và bằng tiền) nhưng thiếu nguồn vốn nên hiệu quả chính sách thấp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP còn hạn chế nên việc triển khai chính sách còn gặp nhiều khó khăn, thiếu hiệu quả. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, số vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện Nghị định trên chỉ có 305,5 tỷ đồng (ngân sách trung ương là 113,505 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 192 tỷ đồng) (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2022). Số vố này là rất thấp so với nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Ngoài các hỗ trợ bằng tiền, còn thiếu các chính khơi dậy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh nông nghiệp và tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn (ACIAR, 2019).

Cơ sở khuyến khích và thách thức khi chuyển đổi hoạt động từ trang trại sang doanh nghiệp

Lợi ích chuyển đổi hoạt động từ trang trại sang doanh nghiệp

Nhìn chung, có thể khẳng định kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến của kinh tế hộ, mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp do đó cần có chính sách khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, đối với một số trang trại có điều kiện phù hợp, đặc biệt là các trang trại có quy mô lớn, có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh thì việc chuyển đổi thành doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích:

- Xét về góc độ quản lý nhà nước, việc chính thức hóa nền kinh tế là xu thế chung của mọi nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 phê duyệt Đề án “Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát”. Việc tính toán, thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, khu vực kinh tế phí chính thức vào quy mô của nền kinh tế sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, giảm được việc trốn thuế, lậu thuế, giảm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Do đó, cần khuyến khích các trang trại phát triển lớn mạnh để trở thành các doanh nghiệp có đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, xã hội và môi trường.

- Khi trang trại có đủ điều thuận lợi nếu muốn thành lập doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi như: (i) Có sẵn kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nên việc mở rộng sản xuất, tiếp thu khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp là dễ dàng hơn; (ii) Do phải tổ chức sản quy mô lớn nên chủ trang trại thường là người có tư duy kinh tế và quản lý; (iii) Có các đối tác truyền thống nên thuận lợi trong việc phát triển thị trường; (iv) Có quy mô đất sản xuất tương đối lớn (bình quân 3,52 ha/trang trại, cao hơn nhiều so với mức của hộ nông nghiệp của Việt Nam) nên thuận lợi trong việc xây dựng những công trình cơ bản cho doanh nghiệp nông nghiệp như: trụ sở, nhà kho, xưởng chế biến… hoặc làm vùng nguyên liệu, mô hình trình diễn. Kể cả những doanh nghiệp chủ yếu liên kết với các hộ, hợp tác xã khác thì việc có sẵn một diện tích vùng nguyên liệu tập trung là lợi thế lớn, góp phần giảm rủi ro về số lượng và chất lượng nguyên liệu.

- Về tổ chức sản xuất, doanh nghiệp sẽ tổ chức sản xuất kinh doanh bài bản, quy củ hơn; việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cũng sẽ thuận lợi hơn so với các trang trại. Các doanh nghiệp không bị giới hạn về quy mô, vốn và địa điểm kinh doanh, có thể lập văn phòng đại diên, chi nhánh tại các địa phương khác. Doanh nghiệp được xuất hóa đơn VAT cho khách hàng để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.

- Các trang trại không có tư cách pháp nhân. Đây là một hạn chế đối với hộ trang trại khi muốn thực hiện các giao dịch kinh doanh, vay vốn tại ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khách hàng vay vốn tại các ngân hàng là pháp nhân, cá nhân… (trường hợp muốn vay vốn thì chủ trang trại phải vay dưới danh nghĩa cá nhân). Trong khi đó, doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp tư nhân) có tư cách pháp nhân và có quyền thực hiện giao dịch vay vốn tại ngân hàng.

- Về chính sách hỗ trợ, đối với các chính sách hiện hành, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho doanh nghiệp nông nghiệp là vượt trội so với trang trại. Do đó, khi trang trại chuyển đổi hoạt động thành doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ của Nhà nước như: Hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP) và Hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Một số khó khăn, thách thức đối

- Về nhận thức của chính quyền và người dân: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Tuy nhiên, trang trại là hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, không đăng ký kinh doanh nên chưa thuộc đối tượng hỗ trợ. Vấn đề chuyển đổi trang trại sang doanh nghiệp nông nghiệp chưa có nhiều nghiên cứu và cũng chưa có văn bản nào đề cập. Do đó, nhận thức của chính quyền và người dân về vấn đề này còn rất sơ khai. Ngoài ra, khả năng tiếp cận của doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn, chưa tạo thành động lực thúc đẩy trang trại chuyển đổi hoạt động thành doanh nghiệp nông nghiệp.

- Thói quen kinh doanh truyền thống: Đa số các trang trại hoạt động theo cách kinh nghiệm truyền thống, chủ trang trại có tâm lý ngại thay đổi. Khi chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm máy móc, công nghệ sản xuất, mở rộng mô hình, hoàn thiện bộ máy. Theo quy định tại Luật Kế toán và văn bản hướng dẫn thi hành, các doanh nghiệp (kể cả quy mô nhỏ hay siêu nhỏ) thì đều phải có đầy đủ kế toán, thủ quỹ, giám đốc và không được kiêm nhiệm… Điều này đã tạo bộ máy cồng kềnh và tăng chi phí cho doanh nghiệp.

- Gánh nặng tuân thủ pháp luật: Hình thức trang trại không cần đăng ký kinh doanh (trừ khi hoạt động thêm một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện), không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định và yêu cầu về bảo hiểm xã hội, môi trường, phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, về an sinh xã hội, về yêu cầu về báo cáo tài chính và thuế…

Giải pháp khuyến khích trang trại chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp

Nhằm khuyến khích các trang trại chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh sang loại hình doanh nghiệp, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân về lợi ích khi chuyển đổi hoạt động của trang trại sang mô hình doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc chuyển đổi một số trang trại có đủ điều kiện sang loại hình doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho chủ trang trại, nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, để tăng tính thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý nhà nước và chủ trang trại thì cần có nghiên cứu sâu hơn và nhà nước thực hiện một số dự án, mô hình thí điểm.

Thứ hai, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng giữa các trang trại và doanh nghiệp có cùng quy mô. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo một môi trường thuận lợi, gỡ bỏ những rào cản cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh ổn định, thông thoáng, tin cậy và hấp dẫn hơn, để các trang trại không còn băn khoăn về việc chuyển thành doanh nghiệp. Ngoài ra, cần thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại như: lao động, môi trường, an toàn sản xuất, thuế, phí... Về lâu dài, cần hoàn thiện các quy định nêu trên theo hướng để không tạo sự bất bình đẳng giữa trang trại và doanh nghiệp có cùng quy mô.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Cần tiếp tục rà soát, khắc phục những khó khăn, điểm còn chưa phù hợp trong quá trình triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP; xây dựng quy trình, thủ tục rõ ràng, minh bạch, khả thi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ và thuận lợi cho các hoạt động quản lý nhà nước trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ; sửa đổi các quy định tại Nghị định bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các luật, đặc biệt là các luật mới được ban hành: Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020. Kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, các yếu tố tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: đón nhận cơ hội đầu từ các Hiệp định thương mại tự do EVFTA, EVIPA, CPTPP…; phù hợp với xu hướng thay đổi của thị trường nông sản trong nước và quốc tế theo hướng an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, cần phải bảo đảm được nguồn lực để triển khai chính sách, nhất là ngân sách để thực hiện các hỗ trợ của nhà nước, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và động lực cho các chủ trang trại chuyển đổi mô hình hoạt động.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, bổ sung đối tượng hỗ trợ doanh nghiệp hình thành từ các trang trại, tương tự như doanh nghiệp hình thành từ các hộ kinh doanh. Quy định cụ thể hơn, đơn giản hơn những thủ tục hành chính như: thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Báo cáo Thực trạng và giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp;
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo kết quả thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
  3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021), Báo cáo kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và phát triển năm 2022;
  4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2022), Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại;
  5. Tổng Cục Thống Kê (2020), Sách trắng Doanh nghiệp năm 2020, NXB Thống kê, Hà Nội;
  6. Tổng Cục Thống Kê (2020), Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn giữa kỳ, NXB Thống kê, Hà Nội;
  7. Tổng cục Thống kê (2022), Niên giám thống kê 2021, NXB Thống kê, Hà Nội;
  8. Lưu Ngọc Lương (2019), Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn - Tháo gỡ khó khăn từ góc độ thực thi chính sách, Tạp chí Kinh tế và dự báo;
  9. Australian Centre for International Agricultural Research (2019), Report Policy Evaluation and Recommendations: Decree 57/2018/ND-CP: Incentive Policies for Enterprises Investing in Agriculture and Rural Development, Australia.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2023